Huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa): Tuyến đê cấp 1 bị “băm nát”, các cơ quan chức năng có “làm ngơ”?
THCL Trên bờ, cả một tuyến đê xuống cấp nghiêm trọng; dưới sông, nạn “cát tặc”thả sức hoành hành. Câu hỏi đặt ra: Năng lực quản lý của các cơ quan chức năng huyện Thiệu Hóa đến đâu khi để xảy ra tình trạng này?
Những tiếng… gào thét dưới lòng sông
Mặc dù đã hết hạn khai thác từ tháng 3/2016, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của phóng viên, trên đia bàn xã Thiệu Toán, các bến bãi của doanh nghiệp T&Đ Hà Nội vẫn ngang nhiên hoạt động. Bên cạnh đó, cũng tại khúc sông Chu chảy qua đây, tình trạng khai thác cát vẫn đang diễn ra.
Hết hạn từ tháng 3/2016, tuy nhiên tình trạng khai thác cát vẫn diễn ra một cách công khai
Theo quan sát của phóng viên, vào khoảng 10h sáng ngày 13/10, nhiều tàu hút vẫn ngang nhiên hoạt động khai thác cát tại khu vực bãi thôn Phúc Toán, xã Thiệu Toán mà không hề gặp phải sự ngăn cản nào của cơ quan chức năng?
Trao đổi với phóng viên, ông Xuân Lượng, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Toán cho biết: “UBND xã đã nhiều lần kiến nghị (thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, sơ kết, tổng kếthội nghị tại huyện Thiệu Hóa), nhưng tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra. Quan điểm của địa phương là quyết liệt xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khai khoáng”.
Trên địa bàn xã Thiệu Toán hiện có 3 doanh nghiệp đang thuê đất làm bãi tập kết là Công ty Hải Lam, Công ty Hùng Cường và Công ty T&Đ Hà Nội/tổng diện tích 10.000m2. Mặc dù,Công ty T&Đ Hà Nội đã hết hạn nhiều tháng qua, nhưng không hề có động thái dừnghoạt động của cơ quan có thẩm quyền? Việc “thả cửa” cho doanh nghiệp này hoạt động đã dẫn tới nhiều vi phạm và bị chính quyền xã Thiệu Toán liên tiếp xử phạt.
Cụ thể, ngày 17/8/2016, UBND xã Thiệu Toán đã bắt quả tang tàu của ông Nguyễn Văn Quang, thôn 3 xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa) đang hút cát tại mỏ cát số 15 (đã hết hạn hợp đồng khai thác) cho Công ty T&Đ Hà Nội ở bãi thôn Toán Phúc.
Cùng ngày, chính quyền xã đã bắt giữ tàu của ông Nguyễn Văn Thoa đang khai thác tại điểm mỏ này. Tại cơ quan chức năng, ông Thoa khai nhận, sau khi hút cát sẽ đem lên bãi của Công ty T&Đ Hà Nội hút lên bãi và doanh nghiệp thanh toán tiền. Cũng trong ngày 17/8, xã Thiệu Toán còn bắt thêm 2 tàu đều khai nhận hút cát cho Công ty T&ĐHà Nội.
Những lời kêu cứu ở trên cạn…
Theo thông tin từ một số người dân sống quanh khu vực xã Thiệu Toán thì, kể từ khi có các doanh nghiệp vào khai thác cát, chưa thấy đóng gópgì lớn cho phát triển kinh tế địa phương, trong khi tình trạng môi trường đang hằng ngày bị tàn phá, những chiếc xe trở vật liệu xây dựng vẫn hằng ngày cày nát cả một tuyến đê cấp 1.
Tuyến đê cấp 1 đang bị băm nát
Được biết, đê hữu sông Chu, đoạn từ địa bàn xã Thiệu Toán về đến chân cầu Vạn Hà là tuyến đê cấp 1, bảo vệ tính mạng, tài sản của hàng nghìn hộ dân quanh khu vực các huyện Thiệu Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn và đặc biệt là TP. Thanh Hóa bên phía tả ngạn sông Chu, mỗi khi mùa mưa lũ về.
Tuy nhiên, việc cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cho doanh nghiệp lập bến bãi, hút cát trên địa bàn xã đã kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là tình trạng xe quá tải tấp nập đổ về bãi tập kết cát. Điều đó đồng nghĩa với việc tuyến đê sông Chu ngày ngày oằn mình “gánh” những chuyến xe chở vật liệu, xe hàng hóa siêu trường, siêu trọng băm nát mặt đê.
UBND huyện Thiệu Hóa dựng barie, liệu có phải là biện pháp tốt nhất?
Cũng theo phản ánh của người dân sống tại khu vực ven đê, hầu hết bên bề mặt của tuyến đê này đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, mùa nắng bụi mù mịt, mùa mưa thì lầy lội, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Mặc dù tuyến đê đang hằng ngày phải “oằn mình” để chống đỡ với những chuyến xe trọng tải lớn, trở vật liệu, hàng hóa siêu trường, siêu trọng; tuy nhiên các cơ quan chức năng huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa hề có một động thái tích cực nào trong việc xử lý vấn đề này?
Đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan chức năng của Thanh Hóa sớm vào cuộc và có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Thế Long