Bữa cơm bỏ dở vì… mùi hôi
Phản ánh của các hộ dân xã Liên Phương (Thường Tín, Hà Nội), nhiều năm qua, bãi chứa rác thải tại thôn Bạch Liên (sát Trạm thu phí BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ), xã Liên Phương, thường xuyên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đáng nói, mỗi ngày lượng rác thải được đổ dồn về khu vực này tăng cao, các xe ô tô tải liên tục chở hàng chục tấn rác thải về địa điểm này tập kết, đổ tràn khắp mặt đường, bờ ruộng, kênh mương. Rác thải xây dựng, rác thải sinh hoạt đã qua sử dụng, được đổ thành đống lớn. Trời nắng, mùi hôi thối xộc lên; ngày mưa, những dòng nước đen kịt chảy lênh láng khắp kênh mương, đồng ruộng, ao hồ, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Bãi tập kết rác thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hường nghiêm trọng tới sức khỏe, đời sống của người dân xã Liên Phương
Nghiêm trọng hơn, theo những người dân nơi đây cho biết, bãi tập kết rác thải này đã hoạt động nhiều năm, nhưng được đổ lộ thiên, không qua bất cứ một hệ thống xử lý rác nào...
Trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Huệ, cựu chiến binh, sống tại xã Liên Phương cho biết: “Bãi tập kết rác thải này đã tồn tại nhiều năm qua, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt của người dân. Rác thải được chất thành đống lớn, bay mù mịt, mùi hôi thối bốc lên, gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường bị “bức tử”, người dân đối diện với nguy cơ bệnh tật.
Theo những người dân nơi đây cho biết, bãi tập kết rác thải này đã hoạt động nhiều năm, nhưng được đổ lộ thiên, không qua bất cứ một hệ thống xử lý rác nào...
Khi trời trở gió, mùi hôi thối xộc thẳng vào từng nhà, không khí ngột ngạt, khó thở. Khổ nhất là lúc cả gia đình quây quần bên mâm cơm, dù đóng kín cửa, mùi hôi thối vẫn xộc lên. Nhiều khi dọn cơm ra rồi, nhưng phải bỏ dở bữa, vì không thể chịu đựng nổi”.
Bà Lê thị Thưởng, người dân xóm 1, thôn Bạch Liên, xã Liên Phương bức xúc: “Nếu bãi tập kết rác thải còn hoạt động tại đây, thì chúng tôi không thể sống nổi. Ai cũng đau đầu, tức ngực, không thể thở được. Nhiều năm qua, chúng tôi luôn phải đối diện nguy cơ bệnh tật đe dọa. Một xóm có mấy chục nhân khẩu mà đã có 10 người bị ung thư (8 người đã tử vong), hiện chỉ còn lại tôi và một người nữa.
Tôi cũng chẳng biết sống chết lúc nào, chỉ mong cơ quan chức năng sớm di dời bãi rác thải đi nơi khác, để bảo đảm đời sống, an sinh, sức khỏe cho hàng trăm hộ dân. Nếu bãi rác vẫn hoạt động thì đời con, đời cháu tôi không biết sẽ sống thế nào…”.
Người dân sống tại xã Liên Phương (Thường Tín, Hà Nội) trao đổi với PV
Cũng theo các hộ dân nơi đây, trước thực trạng này, họ đã nhiều lần phản ánh tới UBND xã Liên Phương, huyện Thường Tín; nêu ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri cấp huyện, cấp thành phố, thậm chí gửi đơn kêu cứu tới các ban, ngành, nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Có mặt tại xã Liên Phương, thôn Bạch Liên (nơi có bãi tập kết rác thải), PV chứng kiến bãi rác được đổ thành đống lớn, ruồi nhặng bâu kín, bốc mùi nồng nặc. Xung quanh khu vực bãi rác, những dòng nước đen kịt chảy lênh lánh khắp các mương máng, đồng ruộng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm rất cao.
Được biết, bãi tập kết rác thải này xuất hiện từ đầu năm 2015, được phép hoạt động với tên gọi “cầu trung chuyển rác”; đến tháng 5/2018, được bàn giao cho Công ty Môi trường Thăng Long vận hành và quản lý theo sự chỉ đạo của UBND huyện Thường Tín.
Nguy cơ bệnh tật tăng cao
Theo tìm hiểu của PV, ngoài việc môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống của người dân, những năm qua, trên địa bàn xã Liên Phương, số lượng người tử vong vì bệnh tật tăng cao. Đơn cử, năm 2018, xã có 35 người tử vong, thì chỉ có 11 người vì già yếu, nhưng lại có đến 24 người tử vong vì bệnh tật.
Đặc biệt, tại xóm Nhỏ, xã Liên Phương (gần bãi rác), có 24 gia đình sinh sống, thì có tới 9 người bị mắc căn bệnh ung thư - con số đáng báo động.
Nguy hiểm là vậy. Tuy nhiên, dù đã nắm rõ bãi tập kết rác thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân, nhưng đến nay, việc mà UBND xã Liên Phương làm được đó là mới chỉ dừng lại ở... báo cáo, gửi văn bản - “kiến nghị lên cấp trên” (?!).
Văn bản UBND xã Liên Phương trả lời đơn thư của người dân
Tại Văn bản số 24/UBND-TCD về việc trả lời nội dung kiến nghị của bà Đỗ Thị Hương (đại diện cho các hộ dân xã Liên Phương) ngày 16/8/2019 thì, ngoài việc mời Ban quản lý dự án huyện Thường Tín, Công ty Môi trường Thăng Long đến để lập biên bản, yêu cầu vận chuyển rác thải phải đảm bảo kịp thời, không để quá tải, ứ đọng nước thải gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân…, UBND xã Liên Phương chỉ dừng lại ở việc lấy ý kiến, báo cáo bằng miệng và gửi văn bản kiến nghị lên UBND huyện Thường Tín.
Tìm hiểu về quy mô hoạt động, quản lý, vận hành “cầu trung chuyển rác” và phương án xử lý những kiến nghị của người người dân, PV đã đặt lịch làm việc với UBND xã Liên Phương và huyện Thường Tín. Tuy nhiên, đã nhiều ngày trôi qua, vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía các cơ quan này?
Khi mà các cấp chính quyền địa phương vẫn chỉ loay hoay ở việc báo cáo, xin ý kiến cấp trên, chưa thể đưa ra phương án xử lý, thì hằng ngày, hằng giờ, những người dân xã Liên Phương, vẫn phải mỏi mòn sống chung với mùi hôi thối bủa vây, môi trường bị bức tử, đối mặt với nguy cơ bệnh tật.
Trước thực trạng trên, để bảo đảm sức khỏe, đời sống, an sinh cho người dân, tránh bức xúc trong dư luận, phát sinh những vấn đề khó kiểm soát…, đề nghị UBND TP. Hà Nội, huyện Thường Tín, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra, đồng thời có phương án giải quyết những kiến nghị của người dân xã Liên Phương.
Tuấn Ngọc - Quốc Trường