Vĩnh Cửu là một huyện thuộc tỉnh Đồng Nai. Địa bàn huyện này có Vườn quốc gia Cát Tiên đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Huyện có diện tích lớn nhất tỉnh và dân số ngày càng tăng do tốc độ phát triển công nghiệp như KCN Thạnh Phú. Huyện có Làng Bưởi Tân Triều là đặc sản của tỉnh Đồng Nai.
Bản đồ huyện Vĩnh Cửu
Phát triển kinh tế đồng bộ
Huyện Vĩnh Cửu có diện tích đất tự nhiên gần 110 ngàn ha, trong đó khoảng 78.000 ha thuộc đất lâm nghiệp và 500 ha đất phát triển khu/cụm công nghiệp trên địa bàn. Việc phát triển nông nghiệp có ứng dụng công nghệ tiên tiến được xem là một tiềm năng của huyện, trong đó phải kể đến việc phát triển cây ăn trái kết hợp với ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trên cơ sở tăng cường nắm bắt thông tin thị trường, huyện đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gắn với các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả; mở rộng diện tích trồng cây nông nghiệp có lợi thế của địa phương, gắn với phát triển mô hình GAP trong lĩnh vực nông nghiệp.
Các quy hoạch được thực hiện qua các nhiệm kỳ đã đạt được những hiệu quả nhất định. Giao thông đi lại thuận tiện, thu hút các nhà đầu tư sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện có hồ Trị An có giá trị cao với nhiều tiềm năng sử dụng, khai thác như: thủy điện, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, phục vụ nước sinh hoạt và cải thiện môi trường khu vực, khai thác thủy sản trên lòng hồ, định hướng phát triển du lịch. Bên cạnh những kết quả đạt được về kinh tế, huyện cũng tập trung quan tâm chỉ đạo, phát triển trên các lĩnh vực văn hóa – xã hội và giữ vững quốc phòng – an ninh của địa phương.
Cụm CN Thạnh Phú là đòn bẩy kinh tế cho huyện Vĩnh Cửu
Về mặt vị trí địa lý, huyện Vĩnh Cửu giáp ranh TP. Biên Hòa, có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định việc phát triển kinh tế phải gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của khu vực là giữ vững quốc phòng an ninh, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho các tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam bộ, nguồn nước để sản xuất điện năng, bảo vệ rừng,… do đó, trong định hướng phát triển của huyện tập trung phát triển cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, kêu gọi đầu tư sản xuất kinh doanh phải đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.
Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Là địa phương có 3 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là Trung ương cục miền Nam, Di tích khu ủy miền Đông Nam bộ, di tích địa đạo Suối Linh và có Vườn quốc gia Cát Tiên đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu vực hồ Trị An với đảo Ó, Đồng Trường, tài nguyên du lịch sinh thái, miệt vườn cây ăn trái… là những điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Do vậy, khai thác du lịch hồ Trị An để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái chính là nhiệm vụ trọng tâm và đột phá của huyện.
Hồ Trị An là thế mạnh du lịch của huyện Vĩnh Cửu. (nguồn internet)
Trong tiến trình CNH - HĐH hiện nay, việc phát triển ngành công nghiệp không khói đang là xu thế tất yếu, không chỉ thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển mà còn góp phần thu hút các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước. Trên cơ sở Đề án phát triển du lịch huyện Vĩnh Cửu giai đoạn năm 2015-2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, huyện đang kêu gọi đầu tư xây dựng đồng bộ các khu, điểm, tuyến du lịch tại các khu vực tiềm năng theo quy hoạch của Đề án gắn với việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú và các công trình vui chơi giải trí.
Ông Võ Văn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Một trong những mục đích của khách du lịch đến địa phương, đặc biệt ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai, các khu di tích trên địa bàn huyện là để nghiên cứu tìm hiểu các giá trị về thiên nhiên, lịch sử cách mạng, văn hóa tâm linh, tập tục của đồng bào dân tộc… Do vậy, việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa lịch sử và các lễ hội truyền thống chính là nhiệm vụ quan trọng”.
Ông Võ Văn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu
Để du lịch huyện trở thành điểm sáng trong bản đồ nước nhà, huyện Vĩnh Cửu hướng đến nền du lịch theo hướng công nghệ xanh - công nghệ sạch. “Là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành và xã hội hóa cao, do vậy hoạt động phát triển du lịch huyện cần phải gắn liền với sự tham gia của cộng đồng dân cư – nơi có tài nguyên du lịch. Vì thế chúng tôi luôn đánh giá cao việc phát triển bền vững du lịch về mặt văn hóa xã hội, kết hợp với tạo việc làm cho cộng đồng” – Chủ tịch huyện Vĩnh Cửu cho biết thêm.
Tuy nhiên, trong việc phát triển kinh tế huyện Vĩnh Cửu cũng đang phải đối diện với những vấn đề bùng phát việc lấn chiếm đất rừng, xây dựng trái phép và vấn đề ô nhiễm môi trường từ các nhà máy, xưởng và cơ sở sản xuất. Trong quy hoạch thực tế hai xã Thiện Tân và Thạnh Phú, do có điều kiện giáp với thành phố Biên Hòa ngoài việc thuận lợi xây dựng các khu/cụm công nghiệp thì đảm bảo an ninh trật tự cho người dân nhập cư, hàng loạt các vấn đề nóng khác sẽ là một trong những khó khăn mà chính quyền huyện vĩnh Cửu sẽ phải thực hiện trong thời gian tới.
Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 300 năm của mình. Hiện nay, địa giới hành chính của huyện gồm 1 thị trấn Vĩnh An và 11 xã là Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi, Thạnh Phú, Thiện Tân, Tân An, Trị An, Hiếu Liêm, Mã Đà, Vĩnh Tân, Phú Lý. Về nông nghiệp thế mạnh là các loại cây lương thực như lúa, cây công nghiệp như mía, đậu các loại, cây ăn trái như bưởi, nhãn... và việc trồng rừng hay trồng cỏ chăn nuôi gia súc, các loại cây công nghiệp như cao su, trà, cây lương thực như bắp, mì, khoai...
Diệu Dương