Kinh tế tiếp tục tăng trưởng

Báo cáo tại kỳ họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Ước tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 7,26% so với cùng  kỳ năm 2016. Trong đó, khu vực công nghiệp -  xây dựng tăng 8,22%; dịch vụ tăng 6,23%; nông, lâm, thủy sản tăng 2,45%, thuế sản phẩm tăng 8,71%.

HĐND tỉnh Đồng Nai: Nhiều vấn đề “nóng” được cử tri quan tâm - Hình 1

Kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai 

Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, các ngành kinh tế của tỉnh cũng có sự tăng trưởng mạnh, đặc biệt là công nghiệp với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,82% so với cùng kỳ. Tuy chịu ảnh hưởng của thời tiết, nhưng với nhiều biện pháp hỗ trợ, khắc phục nên giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh vẫn tăng trưởng 2,48% so cùng kỳ. 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu đạt trên 8 tỷ USD, tăng 11,2% so cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt nhiều kết quả khả quan với tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn là 640 triệu USD, đạt 64% kế hoạch năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các địa phương nỗ lực thực hiện. Đến tháng 6 năm nay, toàn tỉnh có 113/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, chính sách an sinh xã hội, chính sách ưu đãi đối với người có công được triển khai đồng bộ. Đặc biệt, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh với việc đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công tỉnh, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, kinh tế - xã hội trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn trong nước còn nhiều khó khăn; thực hiện chương trình tái cơ cấu kinh tế một số ngành, địa phương còn chậm; một số dự án thi công chậm tiến độ do vướng mắc công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, việc sản xuất nông nghiệp, thu mua nông sản, chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Việc xây dựng cánh đồng lớn, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu. Một số vấn đề bất cập gây bức xúc trong xã hội như tình trạng học ca ba chưa khắc phục triệt để; tình trạng khai thác cát, đất trái phép diễn biến phức tạp; công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế ở nhóm học sinh, sinh viên và nhóm người lao động đạt hiệu quả chưa cao…

HĐND tỉnh Đồng Nai: Nhiều vấn đề “nóng” được cử tri quan tâm - Hình 2

Nhiều đại biểu cho rằng cần có những giải pháp mang tính bền vững trong phát triển nông nghiệp

Cần giải pháp “dài hơi” cho nông nghiệp

Sau cuộc khủng hoảng thừa gây thiệt hại nặng cho ngành nông nghiệp và người sản xuất trong những tháng đầu năm nay, vấn đề phục hồi và phát triển ngành nông nghiệp được nhiều đại biểu quan tâm đề cập. Đa số các đại biểu đề xuất cần có những giải pháp “dài hơi” mang tính bền vững, tích cực triển khai ngay trong những tháng cuối năm. Đại biểu Hoàng Thị Bích Hằng (đơn vị huyện Thống Nhất) đặt vấn đề, cơ cấu lao động ở nông thôn đang có sự chuyển dịch theo hướng giảm lực lượng sản xuất, nông dân cũng gặp khó khăn trong thuê mướn nhân công thu hoạch. Bên cạnh đó, việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm đã được nhắc đến nhiều, thế nhưng nông dân vẫn sản xuất manh mún, tự phát. Mặt khác, chúng ta khuyến khích nông dân tham gia thực hành các tiêu chuẩn trong sản xuất nông nghiệp như GlobalGAP, VietGAP. Tuy nhiên, đầu ra của các sản phẩm “sạch” này vẫn chưa được đảm bảo.

Về những giải pháp phục hồi và phát triển ngành Nông nghiệp đặc biệt là chăn nuôi trong thời gian tới, Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Thành Vinh cho biết, qua đợt “giải cứu” heo vừa rồi đã bộc lộ “lỗ hổng” lớn về mặt quản lý khi chi phí cho khâu trung gian quá lớn. Sắp tới, ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện 3 giải pháp trọng tâm, trước mắt vẫn là giảm đàn heo. Ông Vinh tính toán, nhu cầu tiêu thụ heo của tỉnh mỗi năm khoảng 4,7 triệu con ở thị trường trong tỉnh, TP. Hồ Chí Minh và xuất khẩu. Tuy nhiên với đàn heo nái hiện tại, tỉnh sẽ cung cấp khoảng 6 triệu con heo/năm, tức vẫn còn thừa 1,2 - 1,3 triệu con heo. “Việc khuyến cáo người chăn nuôi heo giảm đàn là biện pháp cấp thiết, bởi nếu tiếp tục chăn nuôi nhỏ lẻ thì không thể cạnh tranh với công nghệ hiện đại của các trang trại và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất theo quy mô công nghiệp. Do đó, nếu không giảm đàn người nuôi vẫn tiếp tục chịu nguy cơ rủi ro, thua lỗ”, ông Vinh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Vinh, về lâu dài, sản phẩm chăn nuôi của tỉnh vẫn sẽ phải tập trung ở thị trường nội địa do con đường xuất khẩu còn rất khó khăn. Ngành Nông nghiệp cũng tính toán đến việc khuyến khích người chăn nuôi chuyển đổi nghề, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ; đồng thời tham gia các chuỗi liên kết, sản xuất sạch nhằm hạ giá thành đầu vào và có đầu ra tương đối ổn định. Đồng thời tỉnh tiếp tục duy trì các điểm bán bình ổn giá để góp phần cân đối thị trường.

Những vấn đề “nóng” cử tri quan tâm.

Môi trường, giáo dục và du lịch được xác định là 3 vấn đề “nóng” được đem ra thảo luận. Tại buổi họp cuối cùng này, Thường trực HĐND và UBND thống nhất đưa 3 vấn đề ra thảo luận tại hội trường mà cử tri quan tâm. Đó là hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn nhiều cơ sở chăn heo quy mô lớn chưa hoàn thành các biện pháp bảo vệ môi trường theo nội dung đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. 

HĐND tỉnh Đồng Nai: Nhiều vấn đề “nóng” được cử tri quan tâm - Hình 3

Nhiều vấn đề “nóng” được cử tri quan tâm

Thứ 2 trong thời gian vừa qua, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi kêu gọi xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên việc thực hiện chủ trương trên tại một số địa phương gặp khó khăn, do học phí ở các trường dân lập cao hơn nhiều so với trường công lập. Đề nghị UBND tỉnh báo cáo kết quả việc thực hiện xã hội hóa giáo dục trên địa bàn thời gian qua. Nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục.

Thứ 3 đó là Đồng Nai có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng việc phát triển chưa xứng với tiềm năng. Đề nghị UBND tỉnh báo nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục.

Trước những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, bất cập, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị cần tập trung, nỗ lực hơn nữa, đồng thời tăng cường đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra. Theo đó, tập trung khắc phục những bất cập, hạn chế như công tác thu hồi đất và tiến độ triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là dự án trọng điểm còn chậm; tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép. Vấn đề quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm cần được quan tâm với những giải pháp, việc làm cụ thể, hiệu quả. Tình trạng doanh nghiệp thiếu lao động trong khi số người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng cao cần được rà soát đánh giá và tìm ra nguyên nhân. Việc chậm triển khai thực hiện một số Nghị quyết của HĐND tỉnh đã có hiệu lực cần được khắc phục triệt để…

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, bàn và quyết định những nội dung trọng tâm, thông qua nghị quyết đảm bảo chất lượng và đi vào cuộc sống ngay sau khi ban hành. 

Cao Diên – Hải Dương