Vĩnh Tường huy động cả hệ thống chính trị và người dân phòng chống dịch TCCP
Hội nghị triển khai về các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) được UBND huyện Vĩnh Tường tổ chức vào chiều ngày 06/3/2019 với sự tham dự của lãnh đạo UBND huyện, Lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh, phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Tường, lãnh đạo các xã, thị trấn trên địa bàn và đại diện cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện…
Vĩnh Tường là huyện trọng điểm về chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với 270 hộ trang trại chăn nuôi tổng hợp, trong đó có 6 hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn trên 1.000 con, 130 cơ sở giết mổ lợn. Do đặc điểm địa hình tiếp giáp với Hà Nội nơi có đường quốc lộ 2B chạy qua và tiếp giáp với tỉnh Phú Thọ có quốc lộ 2 chạy qua. Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi trong thời điểm này là hết sức cấp bách.
Mở đầu hội nghị, ông Trần Việt Cường đã nhấn mạnh công tác chống dịch phải như chống giặc để thể hiện quyết tâm của lãnh đạo UBND huyện cùng các cấp ngành và người dân trong việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường đã chỉ đạo: Các cấp, các ngành trong toàn huyện quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và tỉnh Vĩnh Phúc, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ không để xảy ra dịch bệnh, đặc biệt là DTLCP. Xác định trách nhiệm người đứng đầu của các địa phương về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm nếu để dịch tả lợn lây lan.
Ông Trần Việt Cường lưu ý, đối với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện phải xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP; Cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, sớm có phương án xử lí kịp thời; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng cho người dân về phòng, chống dịch bệnh; Kiểm soát tình hình chăn nuôi, không vứt lợn chết xuống cống, rãnh, kênh mương để tránh dịch lây lan; Kiểm soát các cơ sở giết, mổ trên địa bàn huyện, xử nghiêm các trường hợp vị phạm; Đối với các hộ chăn nuôi chủ động trong việc phòng, chống dịch bằng biện pháp phun khử trùng và rắc vôi bột.
Phòng Nông nghiệp &PTNT phải theo dõi chặt chẽ, tổng hợp diễn biến tình hình bệnh DTLCP tại các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh thành giáp ranh để tham mưu với UBND huyện có giải pháp quản lý, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn huyện; Kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ động vật, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc vào địa bàn huyện.
Ban Chỉ đạo 389 của huyện tăng cường hoạt động, ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc vào địa bàn huyện. Ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm vào địa bàn huyện.
Lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, theo dõi tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép; có biện pháp giáo dục, vận động, răn đe nhằm chủ động phòng ngừa.
Trạm Chăn nuôi & Thú y trên địa bàn huyện chủ động tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao; Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn huyện theo quy định; Phân công cán bộ bám sát cơ sở, phối hợp với Phòng NN&PTNT hướng dẫn người chăn nuôi; Trường hợp xấu nếu dịch bệnh xảy ra, phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn quy trình tiêu hủy lợn mắc bệnh và tổ chức phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định.
Hiện nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 8 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình với tổng số lợn bị mắc và tiêu hủy là trên 4.200 con; trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn. Vi rút DTLCP có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường; khả năng lợn mắc bệnh bị chết là 100%. Hiện chưa có vắc xin phòng và điều trị bệnh.
Long Trần