Các đại biểu tham quan thực địa sản xuất nông nghiệp tại xã Ngũ Kiên sau dồn thửa đổi ruộng
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện thí điểm dồn thửa đổi ruộng, hệ thống bờ vùng, bờ thửa, kênh mương nội đồng được kết nối đồng bộ; một số tuyến đường trục chính được mở rộng thêm từ 1,5m đến 2m; các bờ thửa có độ rộng 3,5m – 4m.
Hệ thống thủy lợi được thiết kế phù hợp với địa hình từng khu vực, xứ đồng đã tạo thuận lợi cho việc tưới, tiêu, phục vụ tốt cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp tại 2 xã Ngũ Kiên và Cao Đại. Sau dồn thửa đổi ruộng, 2 xã còn 4.141 thửa, giảm 11.993 thửa; trung bình mỗi hộ còn 1,7 thửa, giảm 4,7 thửa so với trước khi dồn thửa đổi ruộng.
Điều đáng mừng là sau dồn thửa đổi ruộng, đến nay, xã Ngũ Kiên đã có 1 hộ gia đình đầu tư gần 4 tỷ đồng để cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Một số doanh nghiệp đã làm việc với xã dự kiến đầu tư để sản xuất hàng hóa theo chuỗi.
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện làm điểm công tác dồn thửa đổi ruộng tại 2 xã điểm Ngũ Kiên và Cao Đại do UBND tỉnh tổ chức chiều 16/5, ông Nguyễn Văn Khước, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Qua quá trình triển khai thực hiện điểm, UBND tỉnh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Thực hiện đúng, đầy đủ quy trình công khai – minh bạch – dân chủ, không ngại khó, ngại va chạm. Không ban hành quá nhiều loại văn bản tuyên truyền ở các cấp để tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Lựa chọn và tổ chức tập huấn kỹ cho đội ngũ cán bộ xã, các tiểu ban tại thôn.
Điều tra, đối soát kỹ tại thực địa từng khu đất, vùng đất, tránh quy hoạch phát sinh nhiều hệ thống giao thông, thủy lợi và san gạt. Đồng thời, linh hoạt hơn nữa trong việc cấp kinh phí cho các địa phương thực hiện dồn thửa đổi ruộng, đảm bảo chi đúng, đủ theo thực tế các nội dung, các bước công việc địa phương triển khai… Những kinh nghiệm này sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương nhân ra diện rộng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ kết quả đạt được, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác dồn thửa đổi ruộng tại địa phương. Đồng thời, đề xuất Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cho chủ trương, thực hiện điều chỉnh Nghị quyết 201 về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện cắm mốc ngoài thực địa, san gạt, đào đắp bờ vùng, kênh mương nội đồng với mức hỗ trợ không quá 30 triệu đồng/ha đất dồn thửa đổi ruộng.
Kết luận hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang khẳng định, những tham luận, ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ góp phần quan trọng để UBND tỉnh tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy triển khai có hiệu quả công tác dồn thửa đổi ruộng trên địa bàn tỉnh trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Từ kinh nghiệm của 2 xã điểm, Phó chủ tịch UBND yêu cầu các địa phương chỉ đạo việc dồn thửa đổi ruộng cần cân nhắc kỹ, không làm theo phong trào, chỉ thực hiện dồn thửa đổi ruộng đối với các xã, phường thấy cần thiết, có nhu cầu và mang lại hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Để thực hiện thành công, huyện, thành phố cần xây dựng kế hoạch dồn thửa đổi ruộng phù hợp với thực tiễn của địa phương đăng ký, lập phương án sơ bộ xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Bích Phượng - Lê Sơn