Cụ thể, từ ngày cấp đến nay, Thị thực Vàng đã được cấp cho 300 công dân nước ngoài, mang lại cho Indonesia dòng vốn đầu tư trị giá 2.000 tỷ Rp (khoảng 123,5 triệu USD).
Về mặt pháp lý, chính sách Thị thực Vàng được triển khai theo Quy định số 22/2023 của Bộ trưởng Nhân quyền về các vấn đề thị thực và giấy phép cư trú; Quy định số 82/2023 của Bộ trưởng Tài chính về nguồn thu ngoài nhà nước liên quan đến Thị thực Vàng.
Với những chính sách ưu tiên cấp Thị thực Vàng, Indonesia đặt mục tiêu mang lại mức độ thuận tiện cao hơn cho các công dân nước ngoài muốn đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á này.
Những người được cấp thị thực được hưởng một loạt lợi ích độc quyền, bao gồm giấy phép cư trú có hiệu lực từ 5 năm đến 10 năm, dịch vụ nhập cư ưu tiên tại các sân bay quốc tế và không cần giấy phép lưu trú có giới hạn (ITAS). Cơ sở cấp thị thực này nhắm đến một số nhóm người, chẳng hạn như nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư doanh nghiệp, cựu công dân Indonesia và con cháu của họ, những cá nhân tài năng toàn cầu và các nhân vật nổi tiếng trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ luật và nhân quyền Yasonna Laoly tuyên bố, cơ chế Thị thực Vàng giúp Indonesia củng cố vị thế chiến lược của mình trong mắt cộng đồng quốc tế, vì chính sách này tạo điều kiện cho nhiều người hơn đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Ông Laoly nhấn mạnh, Thị thực Vàng là một chính sách có tính thích ứng cao với mục tiêu tạo sự thuận lợi cho người nước ngoài muốn cư trú lâu dàu và đầu tư tại Indonesia. Cơ chế cấp thị thực mang lại cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư niềm hy vọng mới về sự thoải mái và chắc chắn khi đầu tư vào Indonesia. Theo ông Laoly, Thị thực Vàng được thiết kế như một công cụ để Indonesia thu được những lợi ích sâu rộng, chẳng hạn như tăng vốn cao hơn, nhiều cơ hội việc làm hơn, chuyển giao công nghệ và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.
Tổng Giám đốc Nhập cư, Silmy Karim cho biết: “Những con số về người nước ngoài tham gia Thị thực vàng chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong tương lai”.
Những người nộp đơn xin Thị thực Vàng phải có cam kết đầu tư vốn vào Indonesia. Họ có thể phát triển một công ty có giá trị nhất định, mua các công cụ đầu tư trên thị trường vốn, mua bất động sản hoặc gửi tiền vào các ngân hàng quốc doanh. Loại và giá trị của khoản đầu tư cần thiết được xác định dựa trên hồ sơ của từng người nộp đơn, cho dù họ đăng ký với tư cách là nhà đầu tư cá nhân hay đứng tên là doanh nghiệp và khả năng có thành lập công ty mới hay không.
Để có được giấy phép cư trú 5 năm, một nhà đầu tư cá nhân muốn thành lập một công ty mới ở Indonesia phải đầu tư tối thiểu 2,5 triệu USD. Những người muốn ở lại trong một thập kỷ cần phải bỏ vốn ít nhất 5 triệu USD.
Đại diện của một công ty mẹ muốn có được giấy phép cư trú 5 năm và phát triển một công ty mới có nghĩa vụ đầu tư 25 triệu USD, trong khi những người muốn có giấy phép cư trú 10 năm cần đầu tư 50 triệu USD. Một nhà đầu tư cá nhân muốn xin Thị thực Vàng để có được giấy phép cư trú 5 năm mà không có ý định thành lập công ty mới cần phải bỏ ra 350.000 USD vốn. Giá trị được xác định sẽ tăng gấp đôi đối với những người xin giấy phép kéo dài 10 năm.
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu cấp Thị thực Vàng cho tối đa 1.000 người. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mặc dù cơ chế cấp thị thực là một công cụ đầy hứa hẹn cho Indonesia nhưng cũng có thể dẫn đến các vấn đề kinh tế và xã hội nếu không có sự quản lý phù hợp và cơ chế cấp thị thực chặt chẽ.
Thừa nhận những hạn chế có thể xảy ra của Thị thực Vàng, Tổng thống Jokowi cho rằng, điều quan trọng là Indonesia phải có tính chọn lọc cao trong việc cung cấp và cấp thị thực thuận tiện cho công dân nước ngoài.
“Chúng tôi sẽ không cấp Thị thực Vàng cho những người có thể gây ra mối nguy cho an ninh quốc gia của chúng tôi hoặc những người không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho quốc gia”, ông Jokowi nhấn mạnh.
Theo ông Jokowi, Indonesia sẽ chỉ cung cấp Thị thực Vàng cho những du khách đáng tin cậy và chất lượng cao, đồng thời chính phủ sẽ đánh giá cơ sở này ba tháng một lần.
Theo Tổng Giám đốc Nhập cư Karim, chính phủ Indonesia đã tăng cường hợp tác với Interpol và cơ quan chống rửa tiền quốc tế để đánh giá tính đủ điều kiện của những công dân nước ngoài mong muốn có được Thị thực Vàng. Hơn nữa, Tổng cục Di trú đã hợp tác với các bộ, cơ quan liên quan như Bộ Điều phối đầu tư và hàng hải, Bộ Đầu tư, Bộ Tài chính và Trung tâm phân tích và báo cáo giao dịch tài chính (PPATK).
Tổng cục Di trú sẽ không ngần ngại thu hồi thị thực được cấp nếu người sở hữu vi phạm các quy định nhập cư hoặc nếu chính phủ phát hiện ra các vấn đề liên quan đến khoản đầu tư của họ.
Các chuyên gia về tình báo và giám sát trong Văn phòng sẽ theo dõi quá trình hoạt động của các cá nhân được cấp Thị thực Vàng. Cơ chế làm việc như vậy được kỳ vọng sẽ giúp đảm bảo việc cấp Thị thực Vàng sẽ thực sự mang lại lợi ích đáng kể cho quốc gia.
Theo asia.nikkei