Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) ngày càng đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT), không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với mục tiêu ban đầu là góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp có thể tra cứu các thông tin về các đối tượng SHCN (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu,…) - là nguồn thông tin quan trọng đối với doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, phát triển SHCN, tránh đầu tư cho các nghiên cứu đối tượng SHCN đã có; là cơ sở để xác định hướng nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ và các giải pháp kỹ thuật, công nghệ có thể áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, dự án “Thiết lập, duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL) thông tin trực tuyến về đối tượng sở hữu công nghiệp và công cụ khai thác phục vụ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa” đã được Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) triển khai trong khuôn khổ Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020.

Theo đó, xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay về việc phát triển các dịch vụ thông tin dựa trên cơ sở dữ liệu SHCN là ngoài thông tin cơ bản do các Cơ quan/Tổ chức SHTT cung cấp thì các công cụ khai thác cũng như các CSDL vẫn phải xây dưng, phát triển nhằm cung cấp thêm thông tin chuyên sâu, phục vụ nhu cầu quản trị của cá nhân/doanh nghiệp.

Giao diện trang chủ của nền tảng dữ liệu và dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp.Giao diện trang chủ của nền tảng dữ liệu và dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp.

Việc thực hiện dự án xây dựng, phát triển Hệ thống CSDL về SHCN và các dịch vụ giá trị gia tăng liên quan tới thông tin SHCN do Viện Khoa học SHTT chủ trì cũng nằm trong xu thế đó. Kết quả của dự án là nền tảng IPPlatform đã ra đời và vận hành thử nghiệm mang lại hiệu quả tốt trên cả nền tảng web (http://ipplatform.gov.vn) và App cho hệ điều hành iOS và Android (Vipri_ipplatform).

Nền tảng IPPlatform gồm 4 module chính: Tra cứu thông tin, cập nhật thông tin, Sàn giao dịch, Yêu cầu dịch vụ hỗ trợ người dùng. Điểm nổi bật của nền tảng IPPlatform là có giao diện thân thiện, cho ra kết quả tìm kiếm nhanh chóng, có độ chính xác cao, phù hợp với mọi đối tượng với kỹ năng tra cứu khác nhau. Khác với các cơ sở dữ liệu sẵn có trước đây chỉ có chức năng tra cứu, IPPlatform còn cung cấp nhiều dịch vụ khác về SHCN như nộp đơn đăng ký, giám định, định giá tài sản trí tuệ,… Nền tảng còn cho phép người dùng tự cập nhật các thông tin mới nhất liên quan đến tài sản trí tuệ và đăng thông tin mua bán tài sản trí tuệ trên nền tảng này. Đây là nền tảng đầu tiên cho phép kết nối các cá nhân, tổ chức có tài sản trí tuệ với các bên có nhu cầu mua.

Nền tảng IPPlatform không những chỉ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp như mục tiêu kỳ vọng ban đầu mà còn được các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng, khai thác rất hiệu quả.

Với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nền tảng IPPlatform có thể cung cấp thông tin và tư vấn, dịch vụ giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định liên quan đến tài sản trí tuệ của mình; cung cấp thông tin kịp thời, tin cậy về tình trạng pháp lý của tài sản trí tuệ khi doanh nghiệp tham gia thị trường khoa học công nghệ; giúp doanh nghiệp giảm thiểu được rủi ro khi tham gia thị trường khoa học công nghệ thông qua việc tư vấn, đánh giá khả năng bảo hộ quyền SHCN, khả năng xâm phạm quyền trước khi đưa đối tượng vào sử dụng; hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chia sẻ thông tin về SHCN giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ,…

Với các cá nhân hay các cơ quan, tổ chức, nhờ sử dụng nền tảng IPPlatform mà người dùng có thể tiếp cận thông tin cập nhật về tình trạng đơn đăng ký đã nộp, đơn đăng ký của người khác liên quan đến đơn của mình; Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương tra cứu, quản lý đơn đăng ký, văn bằng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn mình quản lý; đồng thời có thể trực tiếp thực hiện hoặc phối hợp với Viện Khoa học SHTT hoặc các tổ chức dịch vụ SHCN cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ xác lập quyền,…; các cơ quan thực thi quyền SHCN tiếp cận, kiểm tra nhanh thông tin SHCN trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm tra,…; các tổ chức nghiên cứu, phát triển tiếp cận thông tin, sử dụng dịch vụ để xác định các nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá kết quả nghiên cứu,….

Kể từ khi vận hành thử nghiệm Nền tảng IPPlatform từ tháng 6/2019 đến tháng 4/2020 đã có tổng cộng 32.747 lượt truy cập với 342.328 trang, 4.654 người truy cập mới; hơn 50 lượt yêu cầu thực hiện dịch vụ tư vấn về SHTT, gần 10 lượt cập nhật thông tin và hơn 10 lượt yêu cầu đăng thông tin trên sàn giao dịch. Nhờ những tiện ích mang lại từ IPPlatform đối với hoạt động quản lý nhà nước về SHTT và hoạt động khai thác thông tin SHCN phục vụ nghiên cứu, tạo lập, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, IPPlatform đã được nhiều đơn vị thiết lập Trạm IPPlatform và xây dựng giao diện quản trị tài sản trí tuệ kết nối với Nền tảng IPPlatform như: Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Nghệ An, Phú Thọ, Bình Dương, Quảng Ninh…; Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam,…

Với những tiện ích ưu việt so với những công cụ khai thác thông tin SHCN trước đây, IPPlatform đã vinh dự được trao Giải thưởng sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2019. Đồng thời, tại buổi lễ chính thức bấm nút vận hành Nền tảng IPPlatform ngày 29/5/2020, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Viện Khoa học sở hữu trí tuệ tiếp tục quản lý và phát triển Nền tảng, Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp dữ liệu sở hữu công nghiệp và Công ty MITEC tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Viện để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Hà Mai