Chuyên viên Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ hướng dẫn cách tra cứu Nền tảng IPP tại Trạm IPPlatform đặt tại 80 Quang Trung, Hà NộiTrong khuôn khổ Lễ khai trương Trạm IPPlatform đặt tại 80 Quang Trung, Hà Nội, chuyên viên Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ hướng dẫn các đại biểu tham dự cách tra cứu Nền tảng IPP 

IPPlatform, tên đầy đủ là Nền tảng Dữ liệu và Dịch vụ sở hữu công nghiệp, là sản phẩm của Dự án “Thiết lập, duy trì và phát triển Cơ sở dữ liệu thông tin trực tuyến về đối tượng sở hữu công nghiệp và công cụ khai thác phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa” thuộc Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) đến năm 2020 (Chương trình 2075), thời gian thực hiện từ 2/2017 – 7/2019 do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ chủ trì, phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ và Công ty CP Ứng dụng Khoa học và Công nghệ - MITEC thiết kế và vận hành thử nghiệm.

Ngoài ứng dụng trên máy tính, Nền tảng IPPlatform còn có các ứng dụng trên nền tảng điện thoại thông minh, máy tính bảng sử dụng hệ điều hành iOS và Android.

Nền tảng IPPlatform được thiết kế gồm 4 Module chính. Cụ thể: Module “Tra cứu thông tin”: hỗ trợ người dùng tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp trong nước (sáng chế, KDCN, nhãn hiệu) và quốc tế. Khác với các công cụ tra cứu khác đã có, giao diện tra cứu của IPPlatform được thiết kế thân thiện, dễ dàng sử dụng, gồm 3 giao diện tra cứu phù hợp với tất cả các đối tượng từ chưa có kỹ năng tra cứu (giao diện “Tra cứu đơn giản”: thiết kế giống như tra cứu Google), đến đối tượng về cơ bản có kỹ năng tra cứu (giao diện “Tra cứu cơ bản”: hiển thị tất cả các trường tra cứu) và đối tượng là chuyên gia tra cứu (giao diện “Tra cứu nâng cao”: kết hợp các trường tra cứu với thuật toán tra cứu).

Thông qua Module tra cứu, người dùng có thể tự tra cứu phân loại sáng chế (IPC), KDCN (Locarno), nhãn hiệu (Nice, Vienne) phục vụ việc lập hồ sơ đăng ký xác lập quyền, cũng như tra cứu thông tin thông qua công cụ “Tra cứu phân loại”. Ngoài ra, người dùng có thể thống kê tài sản trí tuệ theo địa phương (tỉnh), quốc gia, năm nộp đơn/cấp văn bằng một cách dễ dàng phục vụ hoạt động báo cáo, thống kê, nghiên cứu…. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể tra cứu tài sản trí tuệ theo từng đối tượng: sáng chế, GPHI, loại nhãn hiệu (chứng nhận, tập thể, thông thường)…

Phần hiển thị kết quả tra cứu được thiết kế với nội dung ngoài việc hiển thị sâu hơn, nhiều trường hơn so với các công cụ tra cứu đã có, IPPlatform còn xây dụng công cụ “Tra cứu có sự trợ giúp” nhằm hỗ trợ hiển thị các kết quả với từ khóa đồng dạng, từ đồng nghĩa (với sáng chế), nhóm sản phẩm, dịch vụ liên quan (với nhãn hiệu), qua đó hỗ trợ người dùng hiển thị các kết quả nhiều hơn, tránh việc tra cứu sót, thiếu thông tin.

Module “Cập nhật thông tin”: cho phép người dùng gửi các thông tin mới nhất liên quan đến tài sản trí tự của mình để cập nhật vào CSDL+ phục vụ việc tra cứu có sự trợ giúp với chiều sâu tra cứu và tình trạng cập nhật hơn.

Module “Sàn giao dịch”: hỗ trợ người dùng đăng thông tin chào mua, chào bán đối tượng sở hữu công nghiệp và chào mua, chào bán dịch vụ sở hữu công nghiệp. Việc đăng thông tin được thực hiện dễ dàng, theo mẫu định sẵn. Thông qua module này, các chủ thể tham gia trực tiếp vào việc kết nối để thực hiện các giao dịch mua, bán tài sản trí tuệ, yêu cầu và cung cấp dịch vụ sở hữu công nghiệp.

Module “Yêu cầu dịch vụ”: hỗ trợ người dùng gửi yêu cầu về dịch vụ sở hữu công nghiệp (tra cứu thông tin, theo dõi đơn đăng ký, đánh giá khả năng sử dụng, khả năng đăng ký, giám định sở hữu công nghiệp, định giá tài sản trí tuệ…) trực tiếp trên Nền tảng, theo mẫu định sẵn.

Ngoài ra, Nền tảng IPPlatform còn có thêm công cụ tra cứu Công báo tháng, được thiết kế thuận tiện cho việc tra cứu thông tin liên quan đến đối tượng sở hữu công nghiệp (tra cứu giống như tra cứu thuộc Module “Tra cứu thông tin”), qua đó giúp người dùng có thể tra cứu Công báo sở hữu công nghiệp hàng tháng liên quan đến đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp một cách dễ dàng.

Nền tảng IPPlatform được vận hành trên internet với tên miền ipplatform.gov.vn và ipdata.gov.vn và với nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ theo đơn số 4-2019-36565, 4-2019-36566 và 4-2019-36567 tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Kể từ khi vận hành thử nghiệm Nền tảng IPPlatform (6/2019) đến 4/2020, có tổng cộng 32.747 lượt truy cập với 342.328 trang, 4.654 lượt truy cập mới; đã có hơn 50 lượt yêu cầu thực hiện dịch vụ tư vấn sở hữu công nghiệp, gần 10 lượt cập nhật thông tin sở hữu công nghiệp và hơn 10 lượt yêu cầu đăng thông tin trên sàn giao dịch.

Nhờ những tiện ích mang lại từ IPPlatform đối với hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và hoạt động khai thác thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ nghiên cứu, tạo lập, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, IPPlatform đã được nhiều đơn vị đặt hàng thiết lập Trạm IPPlatform và xây dựng giao diện (dashboard) quản trị tài sản trí tuệ kết nối với Nền tảng IPPlatform: Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh, Sở KH&CN Bắc Giang, Sở KH&CN Hà Tĩnh, Sở KH&CN Phú Thọ, Sở KH&CN Bình Định, Sở KH&CN Quảng Ninh…, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức, Đại học Ngoại thương…

Với những tiện ích ưu việt nói trên so với những công cụ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp trước đây, Nền tảng IPPlatform đã nhận được Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (Vifotech) năm 2019 .

Trong thời gian tới, để vận hành hiệu quả và khai thác giá trị gia tăng do Nền tảng IPPlatform mang lại, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, hoạt động khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ trân trọng đề nghị:

Với Bộ Khoa học và Công nghệ, giao cho Viện là đơn vị quản lý, khai thác và phát triển IPPlatform; Tạo điều kiện cần thiết ban đầu để Viện tổ chức, duy trì, khai thác IPPlatform phục vụ quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp (các Sở KH&CN) và phục vụ nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp trong việc khai thác thông tin, sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp; Kết nối Nền tảng IPPlatform trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để tạo điều kiện cho việc tiếp cận và khai thác IPPlatform; Phê duyệt chủ trương về việc giao tiếp tục hoàn thiện và phát triển IPPlatform phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp.

Với Cục Sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp hiệu quả với Viện trong việc cập nhật dữ liệu sở hữu công nghiệp trên IPPlatform trên cơ sở phục vụ công chúng, công tác chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như bảo đảm quyền lợi của hai cơ quan và các cá nhân tham gia của hai bên; Cung cấp CSDL đầy đủ và cập nhật hơn; cho phép trích xuất dữ liệu tự động từ Wipo Publish; Phối hợp thực hiện các dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ nhu cầu của công chúng; Liên kết IPPlatform trên trang tin điện tử của Cục để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và khai thác IPPlatform; Phối hợp với Viện đề xuất và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ duy trì, khai thác, phát triển IPPlatform.

Với các Sở Khoa học & Công nghệ, cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp, tổ chức hỗ trợ, bổ trợ về sở hữu công nghiệp: Phổ biến, hướng dẫn và khai thác IPPlatform phục vụ công tác chuyên môn (chọn, phê duyệt và nghiệm thu kết quả các nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển); Xây dựng, thiết kế giao diện quản trị tài sản trí tuệ riêng kết nối với IPPlatform nhằm hỗ trợ quản lý tài sản trí tuệ trên địa bàn; Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý tra cứu thông tin, đăng ký xác lập quyền và thực thi quyền sở hữu công nghiệp; Tập hợp nhu cầu và phối hợp thực hiện các dịch vụ sở hữu công nghiệp trên cơ sở minh bạnh, hiệu quả, cùng có lợi; Liên kết IPPlatform trên trang tin điện tử của đơn vị để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và khai thác IPPlatform.

Với các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp: Khai thác thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ thực hiện các dịch vụ sở hữu công nghiệp; Sử dụng Module “Sàn giao dịch” để kết nối thông tin khách hàng; Phối hợp với Viện thực hiện các dịch vụ sở hữu công nghiệp trên cơ sở thỏa thuận đối tác cùng có lợi.

Với doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu: Khai thác thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ; xác lập, thực thi quyền sở hữu công nghiệp; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; Yêu cầu thực hiện dịch vụ sở hữu công nghiệp thông qua Module “Yêu cầu dịch vụ” trên IPPlatform.

T.Bình