Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: internet)

Huy động vốn trái phiếu sôi động trở lại

Đối với nền kinh tế Việt Nam, sau giai đoạn thị trường biến động tiêu cực cuối năm 2022 khi thanh khoản và kênh trái phiếu bị siết chặt, nhà đầu tư có dấu hiệu hoảng loạn, thì bước sang năm 2023, Chính phủ đã thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế VAT, thực hiện gỡ khó pháp lý cho các dự án bất động sản, tháo gỡ quy định về phát hành trái phiếu…

Nếu như tại thời điểm cuối năm 2022, lãi suất tiết kiệm từng lên tới 10%/năm trong bối cảnh nhiều ngân hàng chạy đua huy động vốn, thì từ quý II/2023, sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyết liệt giảm lãi suất điều hành nhằm thực hiện nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn và đóng góp vào việc phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, mặt bằng lãi suất huy động dần hạ nhiệt.

Tính tới cuối năm 2023, khảo sát lãi suất tiết kiệm của 4 ngân hàng lớn, gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank, lãi suất kỳ hạn 1 năm đã giảm xuống mức 4,8 - 5%/năm, thấp hơn cả mặt bằng lãi suất khi xảy ra đại dịch Covid-19 và giai đoạn bình thường trước đó. Điều này kỳ vọng, xu hướng lãi suất cho vay của người dân và doanh nghiệp có thể giảm trong tương lai không xa khi lãi suất tiết kiệm đã giảm về mức thấp kỷ lục.

Ngoài ra, đối với kênh trái phiếu, theo dữ liệu của FiinGroup, trong 11 tháng đầu năm 2023, hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đạt 78.470 tỷ đồng (năm 2022 ghi nhận 62.780 tỷ đồng; năm 2021 là 281.920 tỷ đồng) và hoạt động mua lại đạt 48.960 tỷ đồng (năm 2022 mua lại 52.150 tỷ đồng; năm 2021 mua lại 27.910 tỷ đồng).

Như vậy, sau nửa cuối năm 2022, hoạt động phát hành trái phiếu bị gián đoạn liên quan tới các vụ án hình sự về trái phiếu, cũng như quy định siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu, thị trường trái phiếu có dấu hiệu ấm lên trong năm 2023, đồng thời các doanh nghiệp chịu áp lực đáo hạn nợ trái phiếu có điều kiện được giãn nợ thêm 2 năm, giúp giảm áp lực đáo hạn nợ đối với doanh nghiệp bất động sản nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng.

Có thể thấy, với những giải pháp đồng bộ được thực hiện và các doanh nghiệp bất động sản từng bước gỡ khó về dòng tiền và pháp lý, các chuyên gia kỳ vọng, thị trường bất động sản nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung sẽ từng bước hồi phục khi hoạt động huy động vốn qua kênh trái phiếu, ngân hàng, cũng như chi phí đi vay đang có xu hướng giảm. Đây sẽ là động lực hỗ trợ cho nền kinh tế hồi phục trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Thực tế, những động thái trên được thực hiện trong bối cảnh lạm phát Việt Nam vẫn thấp; mặt bằng lãi suất huy động đã hạ thấp kỷ lục; các doanh nghiệp từng bước giải quyết vấn đề thanh khoản qua kênh trái phiếu khi kéo dài kỳ hạn trả nợ thêm 2 năm, đồng thời các đợt phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bắt đầu quay lại; thị trường chứng khoán đã chạm đáy cuối năm 2022 và tạo nền giá cao hơn trong năm 2023.

Kỳ vọng mặt bằng lãi suất trái phiếu sớm hạ nhiệt

Theo thống kê từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 12/2023 trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), hoạt động huy động vốn thông qua phát hành có dấu hiệu ấm lên, khi hàng loạt công ty trong nhiều lĩnh vực phát hành thành công nhiều lô trái phiếu khác nhau.

Trong đó, một số thương vụ huy động vốn trái phiếu đáng chú ý như Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đã liên tiếp phát hành 2 lô trái phiếu với cùng mệnh giá 1.000 tỷ đồng, lãi suất cùng 10,5% và kỳ hạn 7 năm.

Tương tự, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải phát hành thành công 8.680 tỷ đồng trái phiếu; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Trung Nam đã phát hành thành công 2.230 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 10%/năm, kỳ hạn 2 năm; Tập đoàn Khải Hoàn Land phát hành 240 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 13,5%/năm, kỳ hạn 60 tháng; Công ty cổ phần Sài Gòn Capital phát hành tổng cộng 3.000 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 12,5%/năm và cùng kỳ hạn 60 tháng; Công ty TNHH Dịch vụ và Tư vấn xây dựng An Quân phát hành 1.495 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 60 tháng, lãi suất 14%…

Mặc dù phát hành trái phiếu ấm lên, nhưng mặt bằng lãi suất chưa giảm, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí huy động vốn 10 - 14%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại cổ phần (chỉ 4,8 -5%/năm vào cuối năm 2023).

Thêm nữa, trong Báo cáo thị trường trái phiếu của FiinGroup, nhóm bất động sản huy động có lãi suất coupon bình quân 11,92%/năm với kỳ hạn bình quân 3,65 năm trong 11 tháng đầu năm 2023.

Nếu nhìn rộng hơn, chu kỳ tăng lãi suất toàn cầu đã có dấu hiệu chững lại trong tháng 12/2023. Trong đó, tháng 12/2023 ghi nhận 8 ngân hàng trung ương giám sát 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất tổ chức các cuộc họp thiết lập lãi suất, nhưng chỉ có Na Uy thực hiện tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.

Vào tháng 12/2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng như các nhà hoạch định chính sách ở Anh, Nhật Bản, Australia, Canada và Thụy Sĩ đã chọn giữ nguyên lãi suất tại các cuộc họp. Chính sách xoay trục ôn hòa của các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đã khiến thị trường bất ngờ và kỳ vọng nhiều hơn rằng, đầu năm 2024, lãi suất sẽ giảm nhanh hơn và sớm hơn dự đoán trước đó, khi lạm phát đang từng bước được kiểm soát ở nhiều nền kinh tế lớn.

Có thể thấy, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ trong việc hạ lãi suất, kéo dài kỳ hạn trái phiếu, thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ lãi suất cho doanh nghiệp, người dân, việc lãi suất của các nền kinh tế lớn đang có dấu hiệu đạt đỉnh và có xu hướng giảm trong năm 2024 sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân có thể sớm tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn trong tương lai không xa.

Hà Trần(t/h)