Nhiều ý kiến cho rằng, việc kéo dài thời gian thực hiện giảm thuế VAT 2% sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi - Ảnh minh họa: ITN
Nhiều ý kiến cho rằng, việc kéo dài thời gian thực hiện giảm thuế VAT 2% sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi - Ảnh minh họa: ITN

Theo đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Tại văn bản đã nêu, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước;

Bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là đối với các dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới…; triệt để cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách;

Khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2024 xem xét ban hành quy định gia hạn thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước…), giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước. Kịp thời xem xét, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm thuế, phí, lệ phí như đã thực hiện trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng để báo cáo tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV xem xét, cho phép thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024.

Xoay quanh vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) là giải pháp cần thiết đảm bảo sự phục hồi của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Đây là giải pháp không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, không chỉ người dân, doanh nghiệp cũng quan tâm đến việc gia hạn giảm 2% VAT bởi doanh nghiệp được giảm chi phí đầu vào qua đó giúp giảm giá thành, đồng thời thuế suất thấp hơn giúp sức tiêu thụ mạnh hơn.

Việc giảm 2% thuế VAT thời gian qua được xem như một mũi tên trúng ba đích, vừa góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, vừa góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Cùng với các vấn đề đã nêu, vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc giảm 2% thuế VAT trong vài năm qua đã cho thấy rõ tác dụng kích thích, tăng tiêu dùng trong nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp, từ đó giúp hỗ trợ phần nào tăng trưởng.

“Năm 2024, những khó khăn vẫn chưa giảm bớt, không chỉ với các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà kể cả với doanh nghiệp có quy mô lớn. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo động lực cho phát triển và thực hiện an sinh xã hội”, ông Mạc Quốc Anh đề xuất.

Đồng quan điểm đã nêu, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, so với các tháng cuối năm 2023 (mỗi tháng có khoảng 11.000 - 12.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường) số doanh nghiệp rút lui trong quý I lên tới 73.978 doanh nghiệp, gấp hơn 6 lần. Điều này cho thấy những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023 chưa giảm bớt mà vẫn kéo dài sang năm 2024.

Theo ông Tuấn, những xung đột giữa các nước, những trục trặc trong quan hệ giữa các quốc gia đã và đang tác động đến kinh tế Việt Nam nói chung và cộng động doanh nghiệp nói riêng.

Từ đó, để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều bất định của thế giới, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt các chính chính này cần phải ổn định và thuận lợi khi tiếp cận.

Một trong những chính sách cần tiếp tục thực hiện trong năm nay, đó là kéo dài chính sách hỗ trợ thuế, phí như tiếp tục gia hạn giảm thuế VAT 2% đến hết năm. Đây là chính sách quan trọng và hiệu quả cao không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng qua giảm thuế mà còn giúp sản xuất kinh doanh sôi động.

“Những chính sách hỗ trợ về giảm thuế phí thì doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được ngay, còn những chính sách hỗ trợ về vốn nếu không thực chất thì mức độ ảnh hưởng lan tỏa ít”, ông Tuấn nêu rõ.

Xoay quanh vấn đề đã nêu, trước đó không ít ý kiến cũng từng bày tỏ, với giai đoạn hiện nay, đề xuất giảm 2% thuế VAT đối với một số hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% đảm bảo tính tương đối ổn định. Đồng thời đảm bảo thu ngân sách không bị giảm quá lớn trong bối cảnh thu ngân sách cũng đang gặp nhiều khó khăn. Việc Chính phủ giảm thêm thuế VAT 2% trong sáu tháng đầu năm 2024 là hơi ngắn, do đó, có thể xem xét trình Quốc hội giảm đến hết năm 2024. Đồng thời, có thể trình Quốc hội xem xét mở rộng diện các mặt hàng hóa được giảm.

Theo DĐDN