THCL Mới đây, Bộ NN&PTNT đã chính thức loại một số hoạt chất cực độc chuyên dùng trong nông nghiệp. Đáng nói, dù Bộ NN&PTNT cấm, nhưng lại cho thời hạn 2 năm để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, khiến dư luận đặt nghi vấn “liệu có lợi ích nhóm trong việc này”?

Kéo dài thời hạn dùng thuốc độc trong nông nghiệp: Có vì lợi ích nhóm? - Hình 1

 Hiện thuốc bảo vệ thực vật có chứa chất 2,4D và Paraquat vẫn được nông dân sử dụng, gây lo ngại cho sức khỏe người sử dụng lẫn an toàn vệ sinh thực phẩm – Ảnh: CHÍ QUỐC

Thế giới cấm, Việt Nam vẫn cho dùng rộng rãi?

Thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV- Bộ NN&PTN) cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 4.000 loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được sử dụng, trong đó phần lớn là thuốc trừ cỏ, còn lại là thuốc trừ sâu và trừ bệnh.

Đáng nói, mỗi năm, Việt Nam chi khoảng 500 triệu USD để nhập khẩu thuốc BVTV, trong đó có những loại thuốc cực độc, thế giới đã cấm sử dụng, thậm chí cả Trung Quốc đã cấm nhưng Việt Nam vẫn nhập và cho phép sử dụng như 2,4D (thuốc trừ cỏ), Paraquat (thuốc trừ cỏ), Carbendazim (thuốc trừ nấm)…

Theo Cục BVTV, các hoạt chất 2,4D và Paraquat có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái môi trường. Hiện tại, trên thị trường, hoạt chất 2,4 D có trong 36 sản phẩm thương mại và hoạt chất Paraquat đang có trong 46 sản phẩm thương mại. Các hoạt chất này được Việt Nam nhập khẩu 100%.

Nguyên Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng thông tin, trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều mẫu trái cây có tồn dư 2,4D. Đây là hoạt chất có tác dụng trừ cỏ, không phải chất phun cho cây nên việc phát hiện chất này trên trái cây chứng tỏ nông dân đã sử dụng sai mục đích.

“Ở liều lượng thấp thì 2,4D có tác dụng kích thích sinh trưởng. Chúng cũng có tác dụng giúp bảo quản và làm một số loại trái cây cứng, chín đều nên nông dân đã sử dụng cho mục đích này”, ông Hồng cho biết. 

Còn đối với Paraquat, nguyên Cục trưởng Cục BVTV cho biết, đây là chất rất độc hại và không có thuốc giải nên ở nhiều nước (trong đó có Việt Nam) có tình trạng mua Paraquat để... tự tử. Đây cũng là chất có khả năng gây ung thư.

Trong khi đó, trong vòng 3 năm trở lại đây, lượng bệnh nhân vào điều trị và tử vong tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai do uống thuốc diệt cỏ Paraquat không ngừng tăng, từ 300 ca năm 2014 lên 350 ca năm 2015 và 450 ca năm 2016. Đa số bệnh nhân là người trẻ và trung niên.

Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, với các trường hợp ngộ độc Paraquat, không chỉ Việt Nam mà ngay các nước trên thế giới, khả năng điều trị thành công rất hạn chế, tỷ lệ tử vong lên tới 70-90%, nếu có chữa trị được thì những di chứng để lại hết sức nặng nề như xơ phổi, khó thở, suy hô hấp, bệnh phổi mạn tính…

Theo bác sỹ Nguyên, ước tính, mỗi năm, cả nước ghi nhận hơn 1.000 trường hợp tử vong do loại hóa chất cực độc này. Các bác sỹ cho rằng, việc cấm kinh doanh, sử dụng chất này nếu được thực hiện sớm sẽ hạn chế được nhiều tác hại của nó.

Loại bỏ nhưng cho hạn 2 năm là quá dài

Trước đó, Bộ NN&PTNT đã quyết định loại bỏ 3 hoạt chất 2,4D và Paraquat, Carbendazim khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam, tuy nhiên lộ trình cấm hoàn toàn là 2 năm (từ sau tháng 2/2019).

Việc ngành nông nghiệp đưa ra lộ trình loại bỏ những chất cực độc trong nông nghiệp thêm 2 năm không khỏi khiến dư luận đặt nghi vấn “liệu có lợi ích nhóm trong việc này”?. Bởi việc loại bỏ những hoạt chất cực độc này chỉ có lợi cho ngành nông nghiệp, cho nông dân và hàng chục triệu người tiêu dùng. Vậy nên, khi đã cấm thì cấm luôn, hoặc lộ trình 3-6 tháng là đủ, không nhất thiết phải kéo dài tới 2 năm.

Trả lời câu hỏi về việc, tại sao Việt Nam không cấm luôn mà cho phép thời hạn tới khi cấm hẳn dài tới 2 năm, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật cho biết, ngành nông nghiệp không tùy tiện đưa ra mức thời hạn trong quyết định loại bỏ hoạt chất 2,4D và Paraquat do phải tuân thủ đúng với các quy định pháp luật và đảm bảo lộ trình, thời gian cho các doanh nghiệp thích nghi, từng bước loại bỏ các sản phẩm có các hoạt chất này.

Theo Thông tư 21 của Bộ NN&PTNT, trong trường hợp hoạt chất bị loại khỏi danh mục thì cần có lộ trình để tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất sản phẩm. Lộ trình này là cho phép sản xuất, nhập khẩu 50 chế phẩm chứa các hoạt chất đáng sợ nói trên thêm 1 năm, sử dụng thêm 2 năm tính từ 2/2017.

Không đồng tính với lý giải này của Cục BVTV, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, với những hoạt chất cực độc như vậy thì nên cấm luôn, lộ trình không để quá dài tới 2 năm.

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho rằng, độ độc hại của 2,4D và Paraquat đã được cảnh báo từ lâu và nhiều nước đã cấm sử dụng từ 20 năm nay. Đến nay, Việt Nam mới đưa ra khỏi danh mục sử dụng là quá chậm.

Theo TS. Nghĩa, 2 loại hóa chất trừ cỏ nói trên không chỉ độc hại cho môi trường, mà còn độc hại với con người qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc qua tồn dư trong thực phẩm. Thế nhưng, các cơ quan quản lý vẫn cho sử dụng rộng rãi ở khắp cả nước trong nhiều năm qua.

“Hậu quả về môi trường, về tính mạng và sức khỏe con người như ung thư, chết người... ai là người gánh chịu? Chính các nhóm lợi ích liên quan đến việc thương mại hóa rộng rãi các loại hóa chất này đã che đậy những nguy hiểm của chất trừ cỏ để bán ra thị trường?”, TS. Nghĩa đặt vấn đề.

Cùng chung quan điểm này, TS. Hồ Văn Chiến (nguyên giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam) chia sẻ, khoảng 3-4 năm trước, khi làm việc với các chuyên gia Mỹ, khi biết Việt Nam còn sử dụng thuốc có Paraquat, họ nói tại sao thế giới bỏ hết mà nước ta vẫn còn dùng.

Nay Bộ NN&PTNT đã loại thuốc có chứa 2,4D, đề nghị Bộ NN&PTNT cần quy định lộ trình thu hồi khoảng 6 tháng, đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm việc mua bán, sử dụng thì mới mong chấm dứt được vì thuốc còn trong dân rất nhiều.

Nguyễn Hưng