THCL Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, với vắc xin đơn giá týp O, dự kiến đến tháng 6/2017 có sản phẩm gửi đăng ký lưu hành và dự kiến tháng 12/2017, các doanh nghiệp có thể sản xuất và bán ra thị trường ít nhất 1 triệu liều/doanh nghiệp.

Cục Thú y (Bộ NN&PTNT): Sẽ sản xuất ra vắc xin lở mồm long móng trong năm 2017 - Hình 1

Ảnh minh họa.

Dự kiến đến tháng 12/2018 các DN có thể sản xuất và bán ra thị trường ít nhất 1 triệu liều/DN đối với vắc xin đơn giá týp A. Đối với vắc xin nhị giá týp O và A, dự kiến đến tháng 12/2019 các doanh nghiệp có thể sản xuất và bán ra thị trường ít nhất 1 triệu liều/DN.

Như vậy, trong năm 2017 Việt Nam sẽ bước đầu sản xuất được vắc xin lở mồm long móng (LMLM), qua đó từng bước giảm thiểu nhập khẩu vắc xin, giảm giá thành chăn nuôi.

Được biết, vắc xin LMLM rất quan trọng đối với ngành chăn nuôi. Đây là vắc xin chiếm thị phần lớn nhất, trong tổng số 100 triệu lượng vắc xin tiêu thụ ở Việt Nam, có đến 20 triệu là vắc xin LMLM. 

Từ năm 1997 – 2015, Cục Thú y đã định hướng và chỉ đạo Cơ quan Thú y vùng VI thu thập được 222 mẫu vi rút LMLM tốt nhất về các mặt để đưa vào nghiên cứu sản xuất vắc xin (bao gồm 154 mẫu vi rút týp O, 65 mẫu vi rút týp A, 3 mẫu vi rút týp Asia 1). Hiện nay đang tiếp tục thu thập các mẫu vi rút từ thực địa; nghiên cứu thẩm định mẫu vi rút týp Asia 1.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường, hiện nay, các khâu giống, thức ăn, quy trình, điều kiện sản xuất trong chăn nuôi đều ở mức khá, nhưng yếu nhất hiện nay là phòng, chữa bệnh khi toàn bộ vắc xin cơ bản vẫn phải nhập khẩu về. 

Do Việt Nam chưa sản xuất được vắc xin nên tình hình dịch bệnh không ổn định, giá thành sản phẩm cao và chất lượng sản phẩm khó đảm bảo. Chính vì thế, trong 2 năm qua, Bộ NN&PTNT đã tập trung dồn sức vào để Việt Nam có thể chủ động sản xuất được vắc xin

Tuấn Ngọc