THCL Trong những ngày qua, dư luận hết sức hoang mang, lo lắng khi Hà Nội liên tiếp xuất hiện 2 ca mắc bệnh viêm màng não mô cầu. Điều đáng nói, đây là căn bệnh lây qua đường hô hấp và rất dễ lây lan thành dịch, được cảnh báo nguy hiểm.

Bệnh nhân viêm màng não mô cầu

Trong 5 năm qua, cả nước có 610 ca viêm não mô cầu (25 người tử vong). Cao điểm là năm 2012 với 272 ca, 6 người chết. Năm 2015, cả nước có 102 ca, 4 người tử vong. Chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 6 ca mắc, một người chết. Số ca bệnh không nhiều, nhưng viêm não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng, đặc biệt, lây lan qua đường hô hấp nên luôn được cảnh báo nguy hiểm. Bệnh nhân có thể tử vong ngay trong vòng 24 giờ khởi bệnh.

Việt Nam có 2 loại vắc xin phòng ngừa viêm não mô cầu là vắc xin BC (cho trẻ 3 tháng tuổi trở lên) và vắc xin AC (cho trẻ trên 21 tháng tuổi và người lớn)... Vắc xin ngừa viêm não mô cầu A, C - 2 chủng vi khuẩn hay gặp nhiều nhất tại Việt Nam - đã hết hàng từ cuối tháng 11/2015. Hiện các điểm tiêm chủng như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đều không còn vắc xin này.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, vắc xin ngừa não mô cầu A, C trên thị trường đã hết từ tháng 11/2015 và dự kiến phải giữa tháng 4 năm nay mới có thêm lô vắc xin mới về Việt Nam. Cục trưởng cũng đưa ra khuyến cáo người dân không nên lo lắng.

Vắc xin ngừa não mô cầu A, C trên thị trường đã hết

Tiêm chủng và chủ động phòng tránh - được coi là phương pháp hữu hiệu để bảo vệ bản thân khỏi bệnh nguy hiểm này. Bệnh viêm não mô cầu có thể được phòng ngừa bằng vắc xin, tuy nhiên, loại vắc xin này chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng mà chỉ tiêm ở các điểm tiêm chủng dịch vụ.

Hiện tại, vắc xin ngừa viêm màng não mô cầu B,C (tên thương mại là VC-Mengoc-BC, xuất xứ từ Cuba) vẫn còn, nhưng vắc xin viêm não mô cầu A,C (tên thương mại là vacina Meningococcal A+C, xuất xứ từ Pháp) được khuyến khích tiêm vì 2 chủng vi khuẩn này hay gặp nhiều nhất tại Việt Nam.

Hiện nhiều bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm vắc xin viêm màng não mô cầu vô cùng hoang mang và lo lắng. Chị N.B.Th (trú tại D1, ngõ 359 Mạc Thái Tổ, Hà Nội) cho biết đã gọi điện hỏi một số nơi cung cấp và tiêm vắc xin loại này, nhưng hầu hết họ đều trả lời: “Nếu lo quá thì cứ cho tiêm vắc xin nhóm A,C vậy, chứ vắc xin nhóm B,C không biết đến khi nào mới về”.

Còn chị Đ.T.H (ngõ 81 Lạc Long Quân, Hà Nội), sau khi hỏi qua những bà mẹ khác và địa chỉ, chị thường cho con tiêm vắc xin dịch vụ thì kết quả cũng là “hết vắc xin này lâu rồi, nguồn mới thì chưa biết thế nào đâu”…

Cơn sốt vắc xin dịch vụ 5 trong 1 vừa tạm lắng, việc thiếu hụt nguồn vắc xin ngừa bệnh viêm màng não mô cầu tiếp tục đặt ra vấn đề: Khi nguồn vắc xin đã hết hàng 3 - 4 tháng, song Bộ Y tế cũng không cụ thể hóa kế hoạch nhập thêm? Và dịch bệnh gia tăng theo mùa, điều này mang tính quy luật, Bộ Y tế cũng đã nắm rõ. Do đó, công tác chuẩn bị, sắp xếp nguồn vắc xin bảo đảm, đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh cần phải tiến hành rốt ráo, hiệu quả hơn nữa, tránh để xảy ra tình trạng người dân như “ngồi trên đống lửa” chờ đợi vắc xin, hoang mang và lo sợ mỗi khi có thông tin về ca mắc mới căn bệnh này

Để phòng bệnh viêm màng não mô cầu, người dân cần chú ý vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; vệ sinh thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Trần Nguyên