Phí logistics tăng đột biến
Mặc dù trong năm 2021, giá cước tàu biển đã nhiều lần “lập đỉnh”, nhưng trong quý I/2022, tình trạng này vẫn không nguội bớt, thậm chí có phần căng thẳng hơn. Đặc biệt là từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, đã tác động khiến giá dầu thế giới tăng mạnh dẫn đến chi phí vận tải, logistics tăng cao, càng làm chi phí xuất nhập khẩu gia tăng.
Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, hiện giá cước vận tải ở nhiều tuyến đường biển đã lập kỷ lục mới cao hơn mức “đỉnh” của năm 2021. Cụ thể, giá cước đi Thái Lan (cảng Bangkok, Laem Chabang) dao động từ 1.600 - 2.500 USD/ container tùy hãng; giá cước đi Philippines (Davao, Cebu, General Santos) dao động 4.000 -5.300 USD/container; đi các cảng bờ Tây nước Mỹ dao động từ 12.000 - 14.000 USD/ container (tùy hãng); đi bờ Đông nước Mỹ như (Baltimore, Miami, New Orleans, Houston…) dao động ở mức cao từ 19.000 – 22.000 USD/ container, tùy hãng…
Cùng với cước vận tải biển, gần đây, phí chuyên chở container tiếp tục được nhiều hãng tàu thông báo điều chỉnh tăng đến 20%, dù mức giá đã rất cao, tăng vài lần so trước khi có dịch.
Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại Mega A Đặng Đình Long cho biết: Giá cước container 3 - 4 tuần qua tăng liên tục, có tuần tăng tới 1.000 USD/container. Trong khi giá trị hàng hóa mỗi container chỉ khoảng 12.000 -13.000 USD, tiền cước quá cao khiến giá thành hàng hóa khi đến tay đối tác lên tới 22.000 -23.000 USD/container, làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông lâm thủy sản.
Cước vận tải biển, chi phí logistics tiếp tục tăng, đã đè nặng doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Theo ghi nhận từ các doanh nghiệp, chi phí bị đẩy lên cao, khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam giảm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận hòa vốn, thậm chí bị lỗ để xuất khẩu hàng hóa nhằm duy trì mối quan hệ làm ăn với khách hàng.
Lý giải nguyên nhân chi phí xuất nhập khẩu chưa thể kéo giảm, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Đào Duy Tám cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến chi phí xuất nhập khẩu khó kéo giảm thời gian qua như tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến một số quốc gia vẫn giữ chính sách “zero Covid” (xét nghiệm hàng loạt, quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng...), giá xăng dầu tăng, xung đột Nga - Ukraine…
Ngoài ra, trong hoạt động xuất nhập khẩu, các bộ, ngành liên quan đến cấp phép, kiểm tra chuyên ngành việc cùng thực hiện thủ tục cải cách hành chính, nhưng còn thiếu đồng bộ, một số quy định ban hành ra chưa theo kịp thực tiễn, văn bản quản lý chuyên ngành còn chồng chéo.
Kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp”, tổ chức vưa qua, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn IPPG, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhìn nhận:
Cước vận tải và giá dầu thế giới liên tục tăng cao trong thời gian qua, đã ảnh hưởng lớn đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Hiện giá cước vận chuyển hàng không từ Việt Nam đến Hoa Kỳ, đã tăng từ 1,8 USD/kg lên 18 USD/kg (gấp 10 lần), doanh nghiệp càng xuất khẩu càng lỗ.
“Chi phí logistics tăng cao, khiến cho chi phí hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng theo, làm mất lợi thế cạnh tranh so các nước trong khu vực. Vì vậy, việc tìm giải pháp kéo giảm chi phí này - là yêu cầu cấp thiết để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo Tổng giám đốc Công ty Quản lý và khai thác cảng quốc tế Long An, Lê Minh Phúc, bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam có hàng hóa xuất nhập khẩu nên điều chỉnh theo phương án thay vì nhập CIF xuất FOB, thì nên nhập FOB và bán CIF sẽ chủ động được chi phí đường biển, hàng không.
Về chi phí xuất nhập khẩu, hiện chỗ trên tàu ngày càng ít đi, lượng container rỗng cũng ít nên các khách hàng có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, tới 20 - 25 container/chuyến có thể nghiên cứu chuyển sang phương án xuất hàng rời và đi bằng tàu khoảng 7.000 – 8.000 tấn. Phương án này, sẽ giúp giảm chi phí và tiết kiệm thời gian rất lớn cho doanh nghiệp.
Theo ông Đào Duy Tám, để thông quan một lô hàng liên quan đến nhiều đơn vị như kiểm
tra chuyên ngành, việc cắt giảm chi phí phải có sự chung sức của các cơ quan liên quan.
Tổng cục Hải quan cũng đã chính thức cung cấp miễn phí phần mềm khai hải quan cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu kể từ ngày 29/12/2021. Theo tính toán của cơ quan hải quan, với khoảng 92.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang hoạt động, việc cung cấp phần mềm miễn phí, sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 432 tỷ đồng.
Thời gian tới, ngành hải quan sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, chia sẻ dữ liệu, theo hướng tiếp tục không yêu cầu doanh nghiệp nộp những giấy tờ đã có trên hệ thống...
Đến hết năm 2021, Tổng cục Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 215/237 thủ tục hành chính, chiếm 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan hải quan thực hiện; trong đó, có 209 thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (tỷ lệ 88%). Với khoảng 92.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang hoạt động, ước tính việc cung cấp phần mềm miễn phí sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 432 tỷ đồng.
Tâm An