THCL Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nhiệm vụ đối với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC.

Kết luận thanh tra hàng loạt sai phạm tại Tổng công ty SCIC - Hình 1

Theo kết luận thanh tra, SCIC là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước được giao thực hiện việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương chuyển giao với số lượng lớn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số nội dung công việc như một cấp quản lý nhà nước trong việc thẩm định, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thanh tra Chính phủ kết luận, việc đầu tư của SCIC về cơ bản là có lợi nhuận; tuy nhiên còn một số khoản đầu tư xác định hiệu quả đầu tư chưa rõ ràng, việc đầu tư thêm vốn theo quyền mua của cổ đông hiện hữu còn chưa được thẩm định kỹ vấn đề hiệu quả trong sử dụng vốn đầu tư.

Nhất là việc so sánh lợi ích của việc đầu tư tăng vốn vào các doanh nghiệp đang thực hiện thoái vốn, chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, như: Khoản đầu tư tăng vốn điều lệ tại Công ty CP Giao thông Hà Nội không có trong kế hoạch đầu tư, không thực hiện các bước thẩm định, đánh giá để ra quyết định đầu tư; không có căn cứ xác định giá cổ phần, không vì vấn đề hiệu quả mà thực chất chỉ là đối trừ công nợ cổ tức phải trả của công ty với SCIC, vi phạm quy chế ra quyết định đầu tư của SCIC; sau khi đầu tư tăng vốn điều lệ đến nay, công ty luôn trong tình trạng hoạt động khó khăn, hiệu quả thấp.

Khoản đầu tư tăng vốn điều lệ tại Vinaconex với giá trị đầu tư thêm của SCIC 1.602 tỷ đồng theo quyền mua của cổ đông hiện hữu - thực chất chỉ để giúp Vinaconex tái cơ cấu về tài chính trả nợ trái phiếu đến hạn, do khoản lỗ 2.000 tỷ đồng tại Dự án Xi măng Cẩm Phả.

Ngoài ra, cơ quan thanh tra cũng nêu do SCIC đã theo dõi, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền việc tiếp nhận Công ty CP Dịch vụ và đầu tư phát triển Việt Ninh từ tỉnh Ninh Thuận, sau đó đã bàn giao trả lại địa phương năm 2009, trong khi thực tế SCIC chưa tiếp nhận doanh nghiệp này.

Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, giai đoạn 2008 - 2013, SCIC đã chuyển giao lại quyền đại diện vốn nhà nước về bộ, địa phương quản lý tổng số 30 doanh nghiệp, nhưng chỉ có Công ty CP Jetstar Pacific Airlines là có văn bản của Thủ tướng Chính phủ. Đối với 29 doanh nghiệp còn lại đã bàn giao về địa phương, Thanh tra Chính phủ yêu cầu SCIC rà soát lại để thực hiện tiếp nhận theo quy định.

Đáng chú ý, trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ phát hiện 21 trường hợp đã quá tuổi nghỉ hưu. Nhiều cán bộ SCIC, nhất là đội ngũ lãnh đạo tham gia đại diện vốn nhà nước tại 4 - 5 doanh nghiệp lớn hoặc tham gia quản trị, điều hành 5 - 6 doanh nghiệp, nhưng đồng thời còn thực hiện các hoạt động quản lý tại SCIC.

Thanh tra Chính phủ cũng nêu khuyết điểm còn tình trạng người đại diện chưa thực hiện báo cáo đầy đủ, định kỳ theo quy định; một số trường hợp người đại diện chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ để doanh nghiệp vi phạm pháp luật hoặc thực hiện các dự án đầu tư không hiệu quả dẫn đến khó thu hồi vốn… Vì thế, công tác quản lý tài chính tại một số công ty do người đại diện vốn SCIC tham gia quản lý điều hành còn để xảy ra nhiều sai phạm.

Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, SCIC chưa thể hiện rõ hoạt động giám sát đối với doanh nghiệp, không có văn bản tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật hay xử lý trách nhiệm theo đúng trình tự và thủ tục đối với Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển công nghiệp và vận tải.

Về trách nhiệm của người đại diện vốn SCIC tại doanh nghiệp, kết luận nhận định còn tình trạng người đại diện chưa thực hiện báo cáo đầy đủ, định kỳ theo quy định; phê duyệt đầu tư không báo cáo SCIC trước khi đưa ra xin ý kiến đại hội cổ đông...

Thanh tra Chính phủ yêu cầu SCIC cần tăng cường công tác giám sát người đại diện, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của người đại diện nhằm phát hiện các thiếu sót, yếu kém để có biện pháp ngăn chặn.

Với những sai phạm nói trên,Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng, Bộ Tài chính cùng một số bộ, ngành, địa phương liên quan có biện pháp khắc phục tồn tại; xử lý hành chính, xử lý kỷ luật, kiểm điểm trách nhiệm đối với một số tập thể, cá nhân có liên quan.

Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, Thủ tướng đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý với những kết luận nói trên của cơ quan này.

 Ngọc Linh