Tham dự Cuộc họp có hơn 200 đại biểu đến từ 20 nền kinh tế APEC, các quan sát viên chính thức gồm Trưởng đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, Ban Thư ký APEC quốc tế, Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), đại diện một số tổ chức quốc tế và khu vực liên quan (WB, PAHO, LSIF, EPWG), và đại diện các vụ, cục, viện, bệnh viện của Bộ Y tế Việt Nam, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, GS. TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Ytế là một cấu phần quan trọng trong phát triển kinh tế và thương mại, hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đầu tư cho y tế là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững.

Sức khoẻ tốt sẽ mang lại sự giàu có và là động lực thiết yếu cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế dài hạn. Một lần nữa chủ đề “Tăng cường hệ thống y tế theo hướng phát triển bền vững” do Việt Nam đề xuất và nhận được sự đồng thuận cao của các nền kinh tế tại Cuộc họp Nhóm Công tác lần thứ nhất đã được Thứ trưởng Lê Quang Cường nhấn mạnh, cùng với 5 ưu tiền, gồm: (1) Cập nhật tình hình Bao phủ y tế toàn dân hướng tới một Châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh 2020 trong khu vực APEC, (2) Tăng cường kiểm soát bệnh lây nhiễm và phòng chống kháng thuốc giữa các nền kinh tế APEC; (3) Tiếp cận lồng ghép nhằm tăng cường Sức khỏe người cao tuổi và phòng chống các bệnh không truyền nhiễm; (4) Tài chính y tế bền vững trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế; và (5) Sức khỏe trong mọi chính sách: Kế hoạch Hợp tác liên ngành nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững về y tế.

Kết quả Cuộc họp nhóm công tác y tế lần thứ 2 - Hình 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường phát biểu tại cuộc họp Nhóm công tác Y tế (HWG) lần thứ 2

Sau phần phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Lê Quang Cường, cuộc họp đã tiến hành rà soát các hoạt động năm APEC 2017, và thông qua các kết quả đã đạt được của Kế hoạch hoạt động 2017 của Nhóm công tác trong năm 2017, bao gồm Cuộc họp Nhóm công tác lần thứ nhất được tổ chức tại Nha Trang, Đối thoại chính sách y tế về người cao tuổi và phòng chống bệnh không lây nhiễm , Đối thoại chính sách về lao và lao đa kháng thuốc, Lộ trình tiến tới một châu Á – Thái Bình Dương khỏe mạnh 2020...

Tại cuộc họp này, các thành viên cũng đã cập nhật tiến độ xây dựng các ưu tiên và chỉ số để thực hiện Lộ trình hướng tới một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh 2020. Các ưu tiên này gồm: (1) Bảo hiểm y tế toàn dân (UHC); (2). Phòng chống bệnh không lây nhiễm (NCD), sức khoẻ người cao tuổi; (3) Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em; (4) Tình trạng khẩn cấp về y tế trong trường hợp thiên tai và đại dịch; (5) Tăng cường phát triển năng lực trong lĩnh vực y tế; (6) Phòng chống các bệnh mới nổi.

Nhóm Chỉ số cho các ưu tiên để hướng tới mục tiêu một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh 2020 được các nền kinh tế đánh giá cao. Đây sẽ là công cụ giúp giảm gánh nặng báo cáo, thể hiện mối liên hệ chặt chẽ giữa các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc và các khung giám sát của WHO. Vì vậy, cuộc họp kêu gọi sự đóng góp tích cực, những cam kết về chiến lược và chính sách từ các nền kinh tế thành viên nhằm xây dựng và hoàn thiện Nhóm Chỉ số này.

Cuộc họp đã nghe 14 báo cáo đề xuất mới của các nền kinh tế cho năm 2018. Việt Nam đã trình bày 6 đề xuất về hợp tác y tế trong APEC gồm: (1) Hội thảo quốc tế Chia sẻ kinh nghiệm Thực hành tốt liên quan đến Dịch tễ học, Lâm sàng, Xét nghiệm về Zika và Sốt xuất huyết và Phát triển Vaccine; (2) Hội thảo quốc tế Chia sẻ Các Đáp ứng Chính sách nhằm Cải thiện Tiếp cận và Sử dụng Dịch vụ Y tế Sinh sản và Tình dục cho các Dân tộc dễ bị tổn thương trong các nền kinh tế APEC; (3) Hội thảo Chăm sóc dinh dưỡng cho người cao tuổi để phòng chống các bệnh không lây nhiễm; (4) Hội thảo Tăng cường Năng lực Chăm sóc Người cao tuổi trong APEC; (5) Nghiên cứu hợp tác về Giám sát Kháng Colistin trong Nhiễm khuẩn đường ruột; và (6) Hội thảo quốc tế Thích ứng với Già hóa dân số. Các đề xuất của Việt Nam đều nhận được sự ủng hộ cao của các nền kinh tế và sự bày tỏ sẵn sàng đồng tài trợ cho các đề xuất của Việt Nam.

PV