Các đại biểu làm việc tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV
9h sáng 21/10/2019, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV khai mạc tại Hà Nội. Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch năm 2020.
Tiếp đó, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đọc báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân.
Chiều cùng ngày, Quốc hội làm việc về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 2019 và dự toán năm 2020; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015...
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 luật, 3 nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án luật khác như: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Chứng khoán (sửa đổi); Thư viện; Lực lượng dự bị động viên; Dân quân sự vệ (sửa đổi); Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Thanh niên (sửa đổi); Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Hoà giải, đối thoại tại Toà án; Đề án thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội...
Ngoài ra, Quốc hội xem xét báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1); chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pet, (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận); nghe Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019...
Quốc hội dành 3 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ. Hình thức chất vấn theo cách "hỏi nhanh, đáp gọn", hỏi một phút, trả lời 3 phút. Các phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Cuối kỳ họp, Quốc hội dự kiến dành thời gian cho công tác nhân sự. Sáng 25/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc tờ trình đề nghị miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế với bà Nguyễn Thị Kim Tiến; Thường vụ Quốc hội cũng sẽ trình Quốc hội việc miễn nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật với ông Nguyễn Khắc Định (đã được điều động làm Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà).
Trao đổi về lý do Quốc hội tiến hành thủ tục miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế dù vẫn còn hơn một năm nhiệm kỳ công tác nữa, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu 2 thông tin, ngoài việc bà Tiến được điều chuyển đảm nhiệm cương vị mới thì còn yếu tố nữ Bộ trưởng đã đến tuổi nghỉ hưu. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến sinh năm 1959, năm nay tròn 60 tuổi.
Tuy nhiên, bình thường, các cán bộ lãnh đạo khi được quy hoạch, lựa chọn cho một vị trí tầm Bộ trưởng, vấn đề tuổi đảm nhiệm chức vụ đã được xem xét kỹ, đủ tuổi cho 2/3 nhiệm kỳ công tác là đủ điều kiện. Ở đây, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi được gần hết 4/5 nhiệm kỳ (2016-2021), chỉ còn hơn một năm nữa là trọn vẹn 2 khoá trên cương vị Bộ trưởng Y tế.
Dự kiến kỳ họp diễn ra trong 28 ngày, từ 21/10 đến 28/11.
PV