Tương truyền vào cuối đời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng 1740 - 1768) khắp vùng Quy Hóa, nhất là châu Thủy Vĩ và châu Văn Bàn luôn bị giặc phương Bắc tràn sang cướp phá. Trước tình hình đó, triều đình cử vị tướng thứ Bẩy họ Nguyễn lên trấn thủ vùng biên ải, đánh đuổi quân giặc, giải phóng châu Văn Bàn, Thủy Vĩ, củng cố và xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Sau này, trong một trận chiến không cân sức, Ông đã anh dũng hi sinh vào ngày 17 tháng 7 âm lịch.
Khi ông bị giặc sát hại thì bầu trời gió mây vần vũ, kết lại thành hình thần mã, từ thi thể ông phát ra một đạo hào quang, thi thể ông xuôi theo sông Hồng trôi đến địa phận Bảo Hà thì dừng lại, bầu trời bỗng quang đãng, mây ngũ sắc kết hình tứ linh chầu hộ. Nhân dân vùng đất Bảo Hà thương tiếc đưa xác ông lên chôn cất và lập miếu thờ - và từ đó đến nay Đền Bảo Hà là nơi thờ chính danh tướng Hoàng Bẩy. Các triều vua Minh Mệnh, Thiệu Trị đã tặng ông danh hiệu “Trấn an hiển liệt”. Đến các triều vua nhà Nguyễn, Ông được sắc phong là “Thần vệ quốc” và Nhân dân tôn sùng ông, tôn ông là là Đức Thánh Hoàng Bẩy, là một trong 10 vị tướng quân của Vua Cha Bát Hải Động Đình giáng trần. Càng về sau uy linh của Ông, sự linh thiêng của ngôi Đền Bảo Hà càng được truyền tụng rộng rãi trong dân gian, Nhân dân trong vùng lấy ngày 17/7 âm lịch hàng năm là ngày giỗ ông và là ngày tổ chức Lễ hội, đây là dịp để Nhân dân khắp nơi đến hương nhang, tưởng niệm, cầu tài, cầu lộc.
Đền Bảo Hà được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia từ năm 1997; tọa lạc dưới chân núi Cấm, soi bóng xuống dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa thuộc địa danh xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sơn thủy hữu tình. Ngôi đền có nét kiến trúc độc đáo ghi dấu trong trang sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc.
Từ năm 2021, Di tích lịch sử Quốc gia Đến Bảo Hà đã được được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Lào Cai đồng ý cho trùng tu, tôn tạo và mở rộng với nhiều hạng mục, công trình quan trọng với kiến trúc giữ nguyên kiến trúc cũ song mở rộng hơn về diện tích. Việc trùng tu, tôn tạo Đền Bảo Hà đến nay đã cơ bản hoàn thành với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng, qua đó từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Đền Bảo Hà trở thành trung tâm du lịch tâm linh của khu vực phía Bắc và cả nước.
Lễ hội Đền Bảo Hà năm 2024 được tổ chức theo đúng nghi lễ truyền thống, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu cho từng sự kiện. Cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chào mừng Lễ hội, các nghi lễ tâm linh như: Lễ cầu an, thả đèn hoa đăng; Lễ chính, lễ rước kiệu, lễ dâng hương,… cũng được tổ chức hết sức quy mô, bài bản mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Lễ hội Đền Bảo Hà là một trong những sự kiện văn hoá quan trọng, được huyện tổ chức nhằm mục đích ghi nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân, cách đây hàng trăm năm đã lên mảnh đất này chiêu mộ binh lính, luyện tập nghĩa sỹ, dạy dân trồng lúa, khai khẩn đất hoang, bảo vệ biên cương bờ cõi,... khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần và đời sống tâm linh của nhân dân các dân tộc trong và ngoài tỉnh.
Nguyễn Mạnh