Thực hiện Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 04/01/2021 của UBND TP. Hải Phòng về việc phê duyệt Chương trình Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học và công nghệ TP. Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, để thúc đẩy hoạt động tìm kiếm, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận chuyển giao công nghệ nước ngoài thông qua kết nối, liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong nước với nước ngoài, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hải Phòng phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Văn phòng đại diện bộ phận KH&CN Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức Phiên kết nối cung cầu công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và Đài Loan.
Tham dự phiên kết nối có ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục ứng dụng và phát triển công nghệ; Bà Phạm Thị Sen Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hải Phòng; Ông Trần Minh Hoan, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định; Ông Nguyễn Đình Vinh, Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học - công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Cùng đại diện 14 tổ chức, doanh nghiệp Đài Loan tham gia kết nối,…
Hôm nay, ngày 9/6/2023 sẽ diễn ra Lễ khai mạc và các phiên kết nối 1:1 giữa các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan ngay tại hội trường số 1 phố Phạm Ngũ Lão, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng.
Ngày 10/6/2023 là chương trình làm việc trực tiếp của đoàn tổ chức, doanh nghiệp Đài Loan tại Viện Nghiên cứu hải sản, Viện tài nguyên và môi trường biển và một số doanh nghiệp.
Trong những năm qua, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) đã có mối quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ. Từ năm 1987 đến nay, thương mại song phương và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gần 30 lần. Đài Loan hiện có 2.476 dự án được triển khai tại Việt Nam với tổng số vốn lên đến 29,4 tỉ đồng. Theo Tổng cục Thống kê, trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp mới tại Việt Nam năm 2020, Đài Loan đứng thứ 3 với 1,5 tỉ USD.
Với Hải Phòng, tính đến hết tháng 8/2022, trên địa bàn TP.Hải Phòng có tổng cộng 60 dự án đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc) với tổng số vốn là 1,46 tỷ USD, chiếm 6,1% tổng thu hút FDI toàn thành phố. Trong đó, có 27 dự án nằm trong các khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng số vốn là 1,25 tỷ USD. Các doanh nghiệp đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đã đầu tư mạnh vào các lĩnh vực: sản xuất linh kiện điện tử, máy tính, khí công nghiệp, máy móc thiết bị, bao bì…
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND TP. Hải Phòng, sự đồng thuận, thống nhất của cả hệ thống chính trị, năm 2022 và Quý I/2023, Hải Phòng đã thực hiện hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, thực hiện thành công mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, với một số điểm nổi bật: Kinh tế thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,3% so với năm trước, gấp khoảng 1,5 lần bình quân chung cả nước, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế. Hải Phòng tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 03 trụ cột chủ yếu: Công nghiệp công nghệ cao; cảng biển - logistics; du lịch - thương mại. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Thời gian qua, ngành KH&CN thành phố đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước gắn với thực tế sản xuất, đời sống xã hội, phục vụ các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong những ngành, những lĩnh vực then chốt, mũi nhọn của thành phố theo phương châm lấy ứng dụng là chính, hướng mạnh phục vụ doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo; đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Một số hoạt động KH&CN không chỉ có tầm ảnh hưởng và có sự tham gia của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố, mà còn có sức lan tỏa rộng rãi trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng duyên hải Bắc bộ, với sự tham gia của các địa phương. Hải Phòng trở thành điểm sáng trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong phát triển thị trường công nghệ của cả nước.
Để đạt được những thành tựu nêu trên Sở KH&CN TP. Hải Phòng đã liên kết chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức ở trong nước và nước ngoài; đã kết nối với các đơn vị, viện, trường, doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ tiên tiến, hiện đại để tổ chức chuyển giao, ứng dụng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp trong nước. Từ năm 2020 đến nay, Sở KH&CN và đơn vị thuộc Sở đã tổ chức gần 20 sự kiện kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp VN với các doanh nghiệp nước ngoài.
Sự kiện kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp Đài Loan và doanh nghiệp Việt Nam là một trong những nội dung trọng tâm trong hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN của Sở KH&CN. Đây cũng là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và Đài Loan được gặp gỡ, nắm bắt nhu cầu, trao đổi thông tin, tìm hiểu về thiết bị công nghệ và nhu cầu đặt hàng của phía đối tác, tiến tới đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán công nghệ, thông qua đó thúc đẩy hoạt động chuyển giao, làm chủ công nghệ tiếp nhận từ ngoài nước vào Hải Phòng.
Phát biểu tại phiên kết nối bà Phạm Thị Sen Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hải Phòng hy vọng rằng sau buổi kết nối này, có nhiều viện, trường, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và Đài Loan sẽ có mối liên hệ chặt chẽ trong hợp tác phát triển về công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao để đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của thành phố Hải Phòng và của cả nước.
Quỳnh Nga