Trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân (bắt đầu từ 2014), việc khắc phục những tồn tại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT được coi là nhiệm vụ trung tâm, hàng đầu của ngành y tế, cũng như Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Người dân rất trông chờ vào điều này.

Cần chia sẻ chi phí

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập, hạn chế của công tác khám chữa bệnh theo BHYT xuất phát từ việc khám chữa bệnh theo định suất.

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009 - 2012 đã chỉ ra rằng, sau 2 năm thực hiện phương thức thanh toán theo định suất BHYT đối với các cơ sở khám chữa bệnh, không ít bệnh viện, người bệnh, thậm chí cả cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn chưa thể tìm ra tiếng nói thống nhất. Theo quy định, nếu bệnh viện nào kết dư được quỹ BHYT sẽ được hưởng 20%, còn bệnh viện nào bội chi quỹ, chỉ được thanh toán 60%. Nhiều cơ sở y tế vì thế sẽ cố gắng “thắt lưng buộc bụng” để bảo đảm nguồn quỹ khám chữa bệnh, chính điều đó lại gây thiệt thòi cho người bệnh khi suất điều trị thấp, dịch vụ và thuốc men hạn hẹp, chất lượng khám chữa bệnh giảm theo… Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó giám đốc BHXH Hà Nội, quy định này đang tạo ra những bất cập, trong khi các bệnh viện bị đẩy vào tình trạng vừa phải đảm bảo an toàn nguồn quỹ, vừa làm sao đảm bảo quyền lợi cho người khám chữa bệnh.

Điều trị theo định suất cũng dẫn đến việc các cơ sở y tế tuyến dưới hạn chế chuyển tuyến, gây thiệt thòi cho người bệnh. Về điều này, ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho rằng, cần căn cứ vào hạng bệnh viện để tính định suất vì mỗi bệnh viện có năng lực chuyên môn khác nhau. Hơn nữa, nếu bệnh nhân vượt tuyến thì bệnh viện tuyến trên cần chia sẻ chi phí với bệnh viện tuyến dưới. Không nên để tình trạng bệnh viện tuyến dưới phải xuất quỹ thanh toán cho bệnh nhân vượt tuyến như hiện nay.

Liên quan đến chi phí khám chữa bệnh, dư luận cho rằng, hiện nay, các chi phí gián tiếp của người dân trong khám, chữa bệnh ngày càng có xu hướng tăng cao như đi lại, phong bì lót tay cho y bác sỹ... Bên cạnh đó, người bệnh vẫn phải thanh toán khoản chênh lệch đối với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, thuốc đặc trị chưa được đưa vào danh mục thanh toán của BHYT.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, hiện BHXH Việt Nam và ngành y tế đang rà soát lại danh mục thuốc cho phù hợp, đồng thời trình Chính phủ phương án bù vào số bội chi do gia tăng giá trị dịch vụ y tế.

Vào cuộc ngay lập tức…

Tại Kỳ họp thứ VI, Quốc hội Khóa XIII mới đây, những bất cập trong khám chữa bệnh BHYT đã được các đại biểu Quốc hội đề cập. Để công tác quản lý BHYT được chính xác, đạt hiệu quả cao, hạn chế tiêu cực trong hoạt động khám, chữa bệnh theo BHYT, đại biểu Nguyễn Minh Phương (Đoàn TP. Cần Thơ) đề nghị, BHXH Việt Nam cần phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện phần mềm quản lý khám, chữa bệnh BHYT thống nhất trong cả nước, kết nối từ cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu đến cả tuyến trung ương, theo đó mỗi người chỉ có 1 mã thẻ BHYT cho riêng mình.

Ông Phạm Lương Sơn cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc tiến hành BHYT toàn dân thời gian tới đó là chất lượng khám và chữa bệnh BHYT ở đâu đó vẫn còn có những hạn chế. Ông Sơn khẳng định: “Cả Bộ Y tế và BHXH Việt Nam coi vấn đề khắc phục những tồn tại trong khám chữa bệnh nói chung, khám chữa bệnh BHYT nói riêng để tăng chất lượng khám chữa bệnh là nhiệm vụ trung tâm hàng đầu”.

Cũng theo ông Sơn, thái độ phục vụ của y bác sỹ đối với người bệnh được coi là kỷ luật hành chính đối với ngành y tế và BHXH. Thời gian tới, BHXH sẽ tiếp tục tăng cường tiếp xúc của giám định viên với người nhà bệnh nhân và người bệnh, để hướng dẫn bệnh nhân, người nhà về vấn đề thủ tục, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh.

“Hiện nay, về thủ tục khám, chữa bệnh BHYT đã có Quy định 517/QĐ-BYT, theo đó hồ sơ khám, chữa bệnh đã được rút gọn, nêu rõ quy trình khám chữa bệnh với những thủ tục tối thiểu cần phải xuất trình. Khi thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng cường y đức thì chất lượng khám chữa bệnh cũng sẽ tăng lên. Đây là một cố gắng rất lớn. Nếu có phản ánh về vấn đề thủ tục hành chính thì giám định viên sẽ ngay lập tức vào cuộc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bệnh nhân”, ông Sơn cho biết.

Ông Phạm Lương Sơn: Thời gian qua, BHXH đã tăng cường công tác giám định, kiểm tra chặt chẽ để làm sao hạn chế tối đa việc lạm dụng kỹ thuật y tế trong điều kiện khó khăn như hiện  nay. Vì vậy, việc quản lý và tăng cường kiểm soát quỹ BHYT được xem là nhiệm vụ trọng tâm của  BHXH trong năm 2014.

An Hà