THCLHầm rượu vang cổ gần 100 năm tuổi mang tên người đầu tiên khám phá ra Bà Nà - Đại úy quân đội Pháp Marine Debay là công trình độc đáo. Vị đại úy này khi tới Bà Nà đã mang theo một xã hội châu Âu thu nhỏ tới đây bởi đó không chỉ là hầm rượu mà còn là phong cách sống. Các hầm rượu tuy khá phổ biến ở châu Âu và thường được đào sâu xuống lòng đất còn hầm rượu ở đây được đào xuyên vào lòng núi.
Trong quãng thời gian từ năm 1901 đến năm 1923, hàng trăm ngôi biệt thự, bệnh viện,ngân hàng, tổ hợp Khách sạn-Nhà hàng-Rạp chiếu bóng mang tên Morin… đã được xây dựng ở Bà Nà để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của các quan chức, sĩ quan quân đội, thương gia người Pháp và những người Việt thuộc tầng lớp thượng lưu. Không chỉ vậy, kỹ sư Morin còn được giao thiết kế và trực tiếp chỉ huy thi công một hầm rượu với mục đíchxây dựng nơi cất giữ các loại rượu quý, đặc biệt là rượu vang mà người Pháp mang sang từ chính quốc. ViệtNam – với đặc điểm địa lý tự nhiên của mình là một quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa,không phù hợp với việc bảo quản các loại rượu vang, do đó vùng tiểu khí hậu ôn đới như Bà Nà là một lựa chọn hoàn hảo. Hầm rượu Bà Nà ra đời từ ý tưởng đó.
Hầm rượu có tổng chiều dài từ lối vào đến lối ra khoảng 100 mét, chiều cao 2,5 mét, rộng khoảng 2 mét. Hầm được đào sâu vào lòng núi theo hình chữ zic zacđể hạn chế sự trao đổi không khí giữa bên trong và bên ngoài, giữ cho nhiệt độ trong hầm luôn ổn định từ 16oC -18o, đảm bảo cho các loại rượu ở đây đều luôn được bảo quản trong nhiệt độ ổn định và giữ được hương vị ngon nhất.
Bên trong hầm rượu có các hang nhân tạo đào sâu vào 2 bên vách hầm để làm nơi cất giữ rượu riêng cho từng chủ nhân, tất cả các “kho” này đều có tên riêng (cũng là tên của các chủ nhân của chúng). Nhưng do thời gian và lịch sử chiến tranh, các cứ liệu lịch sử đều đã thất lạc, chỉ duy nhất 2 “kho” lớn nhất và đẹp nhất mới được cung cấp cứ liệu lịch sử bởi chính cháu nội của kỹ sư- kiến trúc sư Morin (đã đến thăm Bà Bà vào tháng 4 năm 2011), đó là “kho” mang tên kỹ sư-kiến trúc sư Morin và “kho” mang tên Luật sư Beison (bạn thân của kỹ sư -kiến trúc sư Morin).
Khu vực với những mô hình tái hiện lại bar rượu, lò sưởi, sàn nhảy, phòng tiếp khách VIP tại hầm rượu cách đây 100 năm
Vách hầm được xây bằng đá núi và vữa làm từ hỗn hợp mật đường, nhựa và bột của cây Bời Lời - một loại cây khá phổ biến ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng. Trần hầm đượcxây dựng theo hình vòm cung thể hiện lối kiến trúc mang đậm chất Pháp đồng thời tạo nên sự vững bền cho hầm rượu. Đó là lý do vì sao gần 100 năm qua,hầm rượu vẫn trường tồn với thời gian, với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự tàn phá của bom đạn trong chiến tranh, là công trình duy nhất của người Pháp còn lại khá nguyên vẹn tại Bà Nà.
Bên trong hầm rượu trưng bày rất nhiều thùng gỗ sồi – một loại gỗ thích hợp cho việc lưu trữ rượu lâu năm mà không làm mất mùi vị đặc trưng
Hầm rượu Debay quả thực là một kiệt tác mà Bà Nà được tận hưởng. Ngoài giá trị lịch sử hàng trăm năm tuổi, hầm rượu vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, giá trị khoa học cho nhiều đời sau. Hầm rượu thực sự là nơi lưu giữ tâm hồn của người Pháp và người Việt từ hàng trăm năm nay, nơi gợi mở cảm hứng cho một lễ hội rượu vang tại Bà Nà đã diễn ra từ 8-11/7/2015. Tại đây, du khách được tặng kèm coupon thưởng thức miễn phí 1 ly rượu vang cùng đồ ăn nhẹ như: hoa quả, xúc xích, thịt nguội....
Nhâm nhi một ly vang, thưởng thức những điệu nhảy Jazz-funk trong không gian đậm chất Châu Âu sẽ mang đến cho quý khách một sự giải phóng cơ thể, cảm xúc, một sự tự do trong tâm hồn. Đừng quên ghé thăm hầm rượu cổ Debay để hiểu thật sự được chìm đắn trong thế giới của Vang
PV ( Thương hiệu & Công luận)