Khẳng định vị thế thương hiệu Việt

Các doanh nghiệp Việt Nam thể hiện mình không chỉ xuất sắc ở nhiệm vụ kinh doanh, phát triển kinh tế mà còn hoàn thành rất tốt trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng. Những thành tựu mà các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được thể hiện giá trị nhân văn, văn hóa doanh nghiệp cũng như tăng khả năng cạnh tranh của hình ảnh quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Theo đánh giá của Brand Finance - Tổ chức định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, năm 2020, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 29%, tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. Năm 2021, tiếp tục tăng 21,69% và vẫn duy trì được thứ hạng này bất chấp khó khăn từ đại dịch Covid-19. Kết quả này đi ngược với xu hướng sụt giảm trên toàn cầu. Theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng so với năm 2020 trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu. Cụ thể, vị trí của Việt Nam cũng được cải thiện, tăng 2,5 điểm, nâng thêm 3 bậc, từ 50/60 (2020) lên 47/105 (2021) quốc gia được xếp hạng. Cũng theo đánh giá của Brand Finance, trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng qua từng năm từ 28% năm 2018 lên 34% năm 2021. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng mạnh mẽ từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2021. Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đều được Brand Finance định giá và chiếm tỷ trọng cao trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.

Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 với chủ đề “Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Nâng tầm vị thế - Chắp cánh bay xa” được Bộ Công Thương tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đã chính thức bình thường hóa các hoạt động kinh tế sản xuất, hướng tới phục hồi kinh tế và tăng trưởng mạnh mẽ sau hai năm bị đứt gãy do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Với các nội dung được chia sẻ tại Diễn đàn, kỳ vọng các doanh nghiệp Việt Nam thấy được giá trị Thương hiệu quốc gia trong mối tương quan với thương hiệu sản phẩm/thương hiệu doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến việc quảng bá hàng hóa và thương hiệu Việt thông qua mạng lưới các Trung tâm thương mại do người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ sở hữu để nâng cao cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Là cơ quan quản lý Chương trình Thương hiệu quốc gia, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực thông qua việc tư vấn phát triển kinh doanh, thiết lập hệ thống thông tin và kiến thức cập nhật về thương hiệu. Công tác tuyên truyền, quảng bá cũng sẽ được chú trọng nhằm tăng cường sự nhận biết của công chúng, người tiêu dùng và khách hàng quốc tế về Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia qua nhiều kênh truyền thông trong nước và quốc tế. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng tập trung nguồn lực vào việc xây dựng và quảng bá các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam tại thị trường nước ngoài; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp dựa trên uy tín chất lượng; từ đó góp phần nâng tầm vị thế của các thương hiệu Việt trên thị trường thế giới.

Quảng bá nông sản Việt tại thị trường Úc
Quảng bá nông sản Việt tại thị trường Úc.

Kết nối doanh nhân, doanh nghiệp Việt trong và ngoài nước

Hiện nay có trên 5 triệu kiều bào Việt Nam sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đây là một cầu nối quan trọng giúp đưa các thương hiệu Việt Nam tiếp cận sâu, rộng hơn với thị trường quốc tế.

Theo ông Ngô Hướng Nam - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài: Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 nhận được sự theo dõi của đông đảo cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đó là sự chuyển biến về mặt nhận thức về vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài và đó cũng là sự khích lệ doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài để làm thế nào đóng góp tốt hơn trong việc quảng bá thương hiệu, hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài là những người nắm vững được thị trường sở tại, luật pháp của nước sở tại và biết cách làm thế nào để đưa hàng hóa Việt Nam vào địa bàn các nước sở tại một cách thuận lợi, dễ dàng nhất; đồng thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi đưa hàng hóa ra thị trường nước ngoài. Điều này thể hiện sự kết nối giữa doanh nhân người Việt ở nước ngoài với doanh nhân, doanh nghiệp trong nước, tạo thành chuỗi cung ứng khép kín do người Việt mình làm, người Việt quảng bá thương hiệu người Việt.

Ông Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia Thương hiệu, Thành viên Ban chuyên gia Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam nhìn nhận: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã có đóng góp ngoạn mục góp phần vào quá trình xây dựng thương hiệu của Việt Nam, đặc biệt là đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài. Điều này đã được kiểm chứng, rất nhiều nông sản của Việt Nam đến được thị trường nước ngoài nhờ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, qua đây các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể học tập kinh nghiệm quản lý, xây dựng thương hiệu. Đặc biệt qua đây tạo dựng hình ảnh đất nước Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn trên thị trường thế giới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định: Vai trò của doanh nhân kiều bào ngày nay không chỉ giới hạn ở nguồn tài chính chuyển về nước dưới hình thức đầu tư và kiều hối hàng năm, mà họ còn có vai trò lớn trong thúc đẩy hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong những hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp của nhiều nước ở các khu vực trên thế giới.

Cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài với kiến thức, kinh nghiệm ở sở tại, và tình yêu quê hương đã vượt qua nhiều thách thức để đưa hàng hóa từ Việt Nam đến các nước sở tại. Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Trong đó, một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác với trong nước. Bên cạnh đó, cộng đồng cũng hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp trong nước tìm hiểu về hệ thống luật pháp các nước, thị hiếu của người bản địa nhằm chọn lọc và đưa những sản phẩm Việt Nam vào hệ thống phân phối nước bạn, thậm chí đưa cả các sản phẩm Việt Nam lên nền tảng giao dịch trực tuyến quốc tế, giúp những sản phẩm đậm chất Việt được biết đến rộng rãi hơn.

Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh và triển khai hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao phục vụ phát triển; phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương và cơ quan trong nước đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào các thị trường đang phục hồi mạnh mẽ nhằm tận dụng đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Hà Thu