Một góc Vịnh Vân Phong
Một góc Vịnh Vân Phong (7/2021). (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

Trong Khu kinh tế Vân Phong, bán đảo Hòn Gốm giữ vị trí vô cùng quan trong.

Bán đảo Hòn Gốm

Chạy từ chân đèo Cổ Mã ra tới Mũi Gành (thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh), diện tích tự nhiên khoảng 128km2. Ngày 11/3/2005, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định 51/2005/QĐ- TTg phê duyệt Quy hoạch khu kinh tế Vân Phong. Ngày 17/3/2014, Thủ tướng Chính Phủ có Quyết định số 380/QĐ- TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030. Theo đó, trên bán đảo Hòn Gốm có:

 

Khu phi thuế quan hiện nay
Khu phi thuế quan hiện nay (7/2021). (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

Khu phi thuế quan: Trung tâm bán đảo Hòn Gốm, gắn với cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong tại Đầm Môn. Đất xây dựng các khu chức năng quy mô 920ha, bao gồm: Cảng trung chuyển quốc tế quy mô đến năm 2030 là 290ha (giai đoạn tiềm năng 750 ha); Khu dịch vụ và công nghiệp hậu cảng quy mô khoảng 310ha; Khu đô thị và trung tâm thương mại - tài chính quy mô khoảng 315ha; Cảng du lịch Sơn Đừng- vị trí Đông Nam cảng trung chuyển quốc tế, quy mô khoảng 5ha.

 

Khu quy hoạch Khu đô thị du lịch tại bãi Cát Thấm
Khu quy hoạch Khu đô thị du lịch tại bãi Cát Thấm (7/2021). (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

Các khu du lịch: Khu du lịch Đông Bắc bán đảo Hòn Gốm và các đảo, quy mô khoảng 250ha; Khu đô thị du lịch tại bãi Cát Thấm quy mô khoảng 220ha; Khu dịch vụ du lịch Bắc núi Cá Ông quy mô khoảng 28ha; Khu đô thị du lịch tại khu vực Tuần Lễ- Hòn Ngang- Mũi Đá Son quy mô khoảng 322ha…

 

Một khu du lịch tại Bắc Núi Cá Ông
Một khu du lịch tại Bắc Núi Cá Ông (7/2021). (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

Nhiều cơ sở hạ tầng động lực đã hình thành

Đối chiếu với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong được điều chỉnh theo Quyết định số 380/QĐ- TTg ngày 17/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, có thể thấy tại bán đảo Hòn Gốm nhiều công trình cơ sở hạ tầng mang ý nghĩa động lực thu hút đầu tư đã hình thành:

 

Cảng Bắc Vân Phong hiện đã đi vào hoạt động
Cảng Bắc Vân Phong hiện đã đi vào hoạt động (7/2021). (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

Dự án cảng trung chuyển quốc tế (TCQT) Vân Phong: Ngày 13/7/2007, Bộ GTVT có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cảng; Ngày 31/10/2009, Tổng công ty (TCT) hàng hải Việt Nam tổ chức lễ khởi công xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong: Xây dựng 2 bến khởi động có chiều dài 690m, có thể tiếp nhận tàu sức chở 9.000 TEU, với công suất thiết kế 710.000 TEU/năm; Tổng kinh phí đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, trong đó gói xây lắp cầu cảng là 973 tỷ đồng; Thi công trong 20 tháng. Dự án làm tiền đề thu hút đầu tư xây dựng các bến tiếp theo có thể tiếp nhận tàu trọng tải 15.000 đến trên 18.000 tấn. Tuy nhiên, dự án thi công thời gian ngắn đã dừng lại.

Tiếp nối Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, tháng 2/2016, dự án được khởi công trở lại với tên gọi Cảng Bắc Vân Phong, có diện tích hơn 42ha, do Công ty CP Cảng Nha Trang làm chủ đầu tư, mục đích xây dựng bến cảng tổng hợp đa năng, phục vụ cho các khu công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa tại Khánh Hòa và các tỉnh lân cận. Nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 417 tỷ đồng. Giai đoạn mở đầu: Đầu tư cảng tổng hợp theo kiểu bến nhô; Giai đoạn hoàn thiện sẽ đầu tư bến cảng trung chuyển container Quốc tế theo quy hoạch. Giai đoạn mở đầu đã hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 10/2019, nhưng do khách hàng đăng ký vận chuyển với cỡ tàu từ 50.000 DWT đến 70.000 DWT qua cảng rất lớn, tháng 9/2019, UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ GTVT xin điều chỉnh quy mô kết cấu công trình dự án, nâng công suất khai thác. Theo ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó giám đốc Công ty TNHH Cảng Vân Phong: “Trong năm 2020, cảng tiếp tục đầu tư xây dựng bến số 2, tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 70.000 tấn và lớn hơn”. Tháng 7/2020, cảng đã đón chuyến tàu trọng tải lớn đầu tiên chở 50.000 tấn than nhập khẩu cập bến. Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong có quy mô 3 tuyến bến: Tuyến cho tàu có trọng tải đến 50.000 DWT đã hoàn thành khai thác từ tháng 10/2019; Bến cặp tầu 5.000 DWT dài 330m điều chỉnh quy mô kết cấu cho cỡ tàu 50.000 DWT; Tuyến bến cặp tàu công vụ, thủy nội địa chiều dài 370m điều chỉnh tiếp nhận tàu 20.000 DWT.

 

Trục đường giao thông từ Quốc lộ 1A đi Đầm Môn
Trục đường giao thông từ Quốc lộ 1A đi Đầm Môn (7/2021) (Ảnh: Trần Minh Ngọc) 

Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 1A đến Đầm Môn (DT651): Tháng 6/2002, con đường dài 18,5km trải nhựa, nền đường rộng khoảng 8m, từ Quốc lộ 1 (chân đèo Cổ Mã) đến Đầm Môn được hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo khâu đột phá cho các nhà đầu tư đến bán đảo Hòn Gốm.

 

Đoạn kết nối Quốc lộ 1A đi Đầm Môn tại đèo Cổ Mã đang xây dựng mới
Đoạn kết nối Quốc lộ 1A đi Đầm Môn tại đèo Cổ Mã đang xây dựng mới (7/2021). (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

Hiện nay, theo sở Giao thông vận tải Khánh Hòa: Tuyến đường này dài 16 km, nền rộng 68 m, tổng mức đầu tư 832 tỷ, lộ trình thực hiện 2016- 2020 đã được duyệt. Dự án đã được tỉnh Khánh Hòa đầu tư triển khai thực hiện từ tháng 10/2016, với chiều dài 14,3 km, rộng 36km, có 4 làn xe, từ Quốc lộ IA đến trung tâm bán đảo Hòn Gốm (Khu phi thuế quan Khu kinh tế Vân Phong); Tổng vốn đầu tư hơn 998 tỷ đồng, do Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong làm chủ đầu tư, dự kiến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác.

 

Cận cảnh một đoạn trong trục đường giao thông Quốc Lộ 1 A- Đầm Môn sắp hoàn thành
Cận cảnh một đoạn trong trục đường giao thông từ Quốc Lộ 1 A đi Đầm Môn sắp hoàn thành (7/2021). (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

Đây là tuyến giao thông huyết mạch tạo động lực thu hút các nhà đầu tư đến với Khu kinh tế Vân Phong, đặc biệt là bán đảo Hòn Gốm- khu vực Bắc Vân Phong. Qua khảo sát thực tế, tuyến đường đang xây dựng khá rộng và đẹp, nhiều đoạn cơ bản đã hoàn thành.

 

Quốc Lộ 1 A đoạn qua Đại Lãnh và tuyến nối hầm đèo Cổ Mã và hầm Đèo Cả
Quốc Lộ 1 A đoạn qua Đại Lãnh và tuyến nối hầm đèo Cổ Mã và hầm Đèo Cả (7/2021). (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

 Dự án mở rộng Quốc lộ 1A qua địa phận tỉnh Khánh Hòa: Dài 140 km, nền đường rộng 20,5m được nhà nước đầu tư xây dựng cải tạo mở rộng lên 4 làn xe từ 2013, đã hoàn thành thông xe ngày 25/9/2015.

 

Hầm đường bộ đèo Cô Mã đã đi vào hoạt động (ảnh chụp tháng 7/2021)
Hầm đường bộ đèo Cô Mã đã đi vào hoạt động (7/2021). (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

 Dự án hầm đèo Cổ Mã: Dài 500m thông xe kỹ thuật 26/9/2015, hoàn thành 22/9/2016. Dự án hầm đường bộ Đèo Cả: Khởi công 18/11/2013, tổng chiều dài 13,5km, trong đó hầm xuyên Đèo Cả dài 4,1km, khánh thành 21/6/2017.

Bên cạnh đó, theo “Danh mục các dự án đầu tư giai đoạn 2015- 2020” của sở Giao thông vận tải, nhiều dự án giao thông đã được phê duyệt, khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi lớn cho các nhà đầu tư như: Dự án đường trục chính khu tổng hợp Đầm Môn: dài 7,03km; nền rộng 42m (8,08km) và 27m (0,9km); tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, đã được phê duyệt. Dự án đường giao thông ngoài cảng trung chuyển Quốc tế Vân Phong: (Giai đoạn khởi động) (ĐT 651) dài 5km, nền rộng 21,25m, tổng mức đầu tư 185 tỷ đồng (theo Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, dự án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua chủ trương đầu tư, đưa vào kế hoạch (2021- 2025).

 

Trục đường từ Khu phi thuế quan đi Sơn Đừng (ảnh chụp tháng 7/2021)
Trục đường từ Khu phi thuế quan đi Sơn Đừng (7/2021). (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

Các Dự án đường giao thông Sơn Đừng- Khải Lương và Dự án Đường giao thông vào khu danh lam thắng cảnh Mũi Đôi- Hòn Đầu đang chờ bổ sung quy hoạch. Bên cạnh đó, nhiều dự án giao thông ngoài khu bán đảo Hòn Gốm đã và đang chuẩn bị xây dựng, làm cho hệ thống giao thông khu vực Bắc Vân Phong ngày càng hoàn chỉnh, hỗ trợ đắc lực cho việc hình thành hệ thống động lực thu hút đầu tư vào bán đảo đắc địa này.

Xây dựng hệ thống cơ chế “mở cửa”

Với vị trí đặc biệt thuận lợi, lẽ ra bán đảo Hòn Gốm phải phát triển mạnh, năng động, đóng góp lớn cho địa phương và cả nước, nhưng mảnh đất này lại phát triển chậm chạp, gần như “nằm im chờ thời”, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là “chờ cơ chế”.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong: “Từ năm 2012, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Đề án tổng thể “Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong”. “Hoạt động thu hút đầu tư trong 8 năm gần đây chủ yếu tập trung vào khu vực Nam Vân Phong và tạm dừng ở khu vực Bắc Vân Phong để xây dựng Đặc khu”.

Ngày 23/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 7836/TTg-QHĐP đồng ý tạm dừng chủ trương lập Quy hoạch tổng thể phát triển hành chính kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, cho phép “UBND tỉnh Khánh Hòa khẩn trương tổ chức việc lập Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021- 2030…, đồng thời tổ chức lập Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050”. Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng có văn bản số 4502- CV/VPTU ngày 06/8/2020 thống nhất chủ trương xã hội hóa kinh phí lập quy hoạch.

Thực hiện chủ trương của Chính Phủ và chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh ủy,  ngày 09/9/2020, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Lễ ký kết chính thức Bản ghi nhớ về việc Hợp tác, xúc tiến đầu tư phát triển Khu kinh tế Vân Phong giữa UBND tỉnh với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG). Theo Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong: “Đến nay đã ký hợp đồng ba bên về tư vấn lập Nhiệm vụ và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong với Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), Công ty tư vấn BCG và Viện quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP), do IPPG tài trợ”.

Ngày 05/7/2021, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Tờ trinh số 5974/TTr- UBND về việc trình thẩm định, phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, gửi lên Thủ tướng Chính Phủ.

Quy hoạch là yếu tố pháp lý cực kỳ quan trọng, phải đi trước mở đường, là cương lĩnh hành động. Việc hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong sẽ tạo ra một thời kỳ mới cho toàn khu, đặc biệt còn có ý nghĩa “cởi trói” cho khu vực Bắc Vân Phong (trong đó có bán đảo Hòn Gốm) mà trong thời gian dài bị “đóng cửa” chờ cơ chế “Đặc khu”, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khai thác tiềm năng vùng đất được ví như “mỏ vàng” này.

Thay lời kết

“Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút được 153 dự án đầu tư (122 dự án trong nước và 31 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 4 tỷ USD, vốn thực hiện 1,47 tỷ USD đạt 37% vốn đăng ký, trong đó 94 dự án đã đi vào hoạt động, 59 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai đầu tư xây dựng…”. Thực tế các dự án này tập trung tại Khu vực Nam Vân Phong. Theo các chuyên gia, tiềm năng kinh tế lớn và vị trí đặc biệt quan trọng của Khu kinh tế Vân Phong lại nằm tại khu vực Bắc Vân Phong, mà “mỏ vàng” là Bán đảo Hòn Gốm. Do phải chờ cơ chế “Đặc khu”, tuy “của không ăn vẫn còn đó”, nhưng “đóng cửa” không khai thác là sự “lãng phí” cần phải sớm được khắc phục, phải đẩy nhanh tiến trình “cởi trói” cho Bắc Vân Phong, “mở cửa” cho bán đảo Hòn Gốm, nếu không muốn tiếp tục bỏ lỡ nhiều cơ hội lớn!

Trần Minh Ngọc