công trình nghệ thuật xây dựng trên đất tâm linh

Tại mảnh đất xây dựng tháp Trầm Hương, theo nhiều cán bộ lão thành cho biết:  Đây là điểm mà trong kháng chiến, cán bộ hoạt động trên vùng núi xung quanh Nha Trang nhìn thấy, ước mong được đặt chân đến. Vì vậy, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, tỉnh Phú Khánh đã xây dựng Đài lệt sĩ Nha Trang để tưởng niệm công ơn các liệt sĩ.

 

Đài liệt sĩ Nha Trang từ 2004 trở về trước
Đài liệt sĩ Nha Trang từ 2004 trở về trước. (Ảnh: TL)

Năm 2004, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định cho chuyển bát nhang và việc thờ cúng tưởng niệm liệt sĩ tập trung về Nghĩa trang Liệt sĩ Hòn Dung, dỡ bỏ công trình Đài liệt sĩ Nha Trang để xây dựng tại đây”Công trình nghệ thuật Hoa Biển” .

 

Trong dịp kỷ niệm ngày giải phóng Nha Trang (2/4) và Festival Biển Nha Trang 2005, Đài liệt sĩ đã bị tháo dỡ (30/3/2005)
Trong dịp kỷ niệm ngày giải phóng Nha Trang (2/4) và Festival Biển Nha Trang 2005, Đài liệt sĩ đã tháo dỡ (30/3/2005). (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

Ngày 07/10/2004, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Thông báo số 500/TB-UB nêu rõ: Công trình nghệ thuật Hoa Biển được Ban thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ phải hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Nha Trang (2/4/1975- 2/4/2005). Ngày 05/11/2004, Ban quản lý dự án (BQLDA) các công trình xây dựng dân dụng (CTXDDD) có tờ trình số 762/TTr-QLDADD-TH; Ngày 19/11/2004 BQL CTXDDD tiếp tục có tờ trình số 828/TTr-QLDADD-TH xin chủ trương thực hiện. Cùng ngày 19/11/2004, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản số 3183/QĐ-UB phê duyệt dự án đầu tư “Công trình nghệ thuật Hoa Biển” (Hoa Biển) với Tổng mức đầu tư: 10.999.520.000 đồng. Ngày 17/12/2004, sở Xây dựng (XD) có văn bản số 3284/XD-KTGĐ về Kết quả giám định thiết kế kỹ thuật- Tổng dự toán “Công trình nghệ thuật Hoa Biển”, với tổng mức đầu tư: 10.999.520.000 đồng; Diện tích chiếm đất: 582 m2; Gồm 9 tầng; Diện tích sàn: 1.825 m2. Ngày 23/12/2004, UBND tỉnh có Quyết định số 3568/QĐ-UB phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình nghệ thuật Hoa Biển, Ban quản lý dự án công trình xây dựng dân dụng làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư là 10.999.520.000 đồng. Việc thi công thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, giao cho Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng thi công. Như vậy, sau gần 30 năm tồn tại, Đài liệt sĩ Nha Trang bị dỡ bỏ. Mảnh đất tâm linh còn đó, nhưng công trình tâm linh đã gắn bó với con người Khánh Hòa suốt 30 năm không còn, thay vào đó là “công trình nghệ thuật Hoa Biển”.

 

Công trình nghệ thuật Hoa Biển xây xong phần thô (11/6/2007)
Công trình nghệ thuật Hoa Biển xây xong phần thô (11/6/2007). (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

Tháng 01/2005, Hoa Biển được khởi công. Đến ngày 08/5/2005, Ban quản lý dự án công trình xây dựng dân dụng có văn bản 355/QLDADD-KT xin gia hạn thời gian thi công đến 20/8/2005. Ngày 21/9/2005, BQLDA CTXDDD tiếp tục có văn bản 639/TTr-DADD-ĐHDA báo cáo phát sinh tăng so với Quyết định 3568/QĐ-UB ngày 23/12/2004 là 3.443.586.863 đồng. Nhưng sau đó, theo báo cáo ngày 31/10/2005 của BQLDA CTXDDD, dự toán điều chỉnh bổ sung của công trình Hoa Biển lên tới 18.300.000 đồng. Tại thời điểm này, dư luận rất bất bình, báo chí tốn khá nhiều giấy mực phản biện, thậm trí rất gay gắt. Ngày 10/01/2006, Tỉnh ủy có Thông báo số 04-TB/TU, thực hiện thông báo này, ngày 17/01/2006 UBND tỉnh có văn bản 231/UBND yêu cầu: BQL CTXDDD xác định khối lượng và giá trị xây lắp thi công thực tế tại công trình của Công ty CP Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Khánh Hòa; Sở Kế hoạch và Đầu tư lập phương án xã hội hóa. Ngày 01/3/2006, Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hòn Tre (Vinpearl Nha Trang) có văn bản số 46/CV-CT/80 thay mặt nhóm 6 doanh nghiệp: Tổng công ty Khánh Việt (khatoco), Công ty CP Du lịch & Khánh sạn Bảo Việt, Công ty CP Nha Trang Seafood- F17, Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hòn Tre (Vinpearl Nha Trang), Công ty coorv phần An Viên, xin nhận lại công trình nghệ thuật Hoa Biển để tiếp tục xây dựng, và sẽ trình thêm cho UBND tỉnh những phương án kiến trúc khác để công trình thực sự mang lại giá trị văn hóa nghệ thuật tiêu biểu đặc sắc, sau khi hoàn thành đề nghị cho nhóm cùng nhau quản lý, sử dụng thành nơi giới thiệu, quảng cáo, quảng bá các thông tin về tỉnh Khánh Hòa và về du lịch, dịch vụ; Sau đó, việc xây dựng Hoa Biển đã được cho phép xã hội hóa, do Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại Vinpearl chủ trì. Công trình nghệ thuật Hoa Biển đã xây xong phần thô với 9 tầng nhưng thực chất không còn tồn tại, phương án kiến trúc Tháp Trầm Hương đã được xây dựng thay thế,  trên cơ sở có tận dụng một phần thô công trình cũ mà thôi.

Tháp Trầm Hương trở thành công trình tâm linh thờ liệt sĩ

Ngày 11/12/2008, UBND tỉnh có Thông báo số 524/TB- UBND, trong đó có nêu: “1. Về phương án sử dụng tháp Trầm Hương: a) Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại Vinpearl khẩn trương hoàn thành…tổ chức nghiệm thu, bàn giao cho Công ty Du lịch Khánh Hòa để sử dụng, quản lý, điều hành các hoạt đợng của Tháp Trầm Hương. Thời gian tổ chức bàn giao thực hiện chậm nhất vào ngày 16/12/2008.

 

Lễ khai trương Tháp Trầm Hương 22/12/2008
Lễ khai trương Tháp Trầm Hương 22/12/2008. (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

b) Ủy quyền cho Giám đốc sở Văn hóa, Thê thao và Du lịch…Chỉ đạo Công ty Du lịch Khánh Hòa khẩn trương phối hợp với Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại Vinpearl để thống nhất kế hoạch, chương trình…tổ chức Lễ khánh thành Tháp Trầm Hương vào lúc 7 giờ 00 ngày 22/12/2008… Phối hợp với Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại Vinpearl, Công ty Du lịch Khánh Hòa, Công ty Yến sào, TCT Khánh Việt và các đơn vị có liên quan để xây dựng phương án sử dụng Tháp Trầm Hương đảm bảo tiêu chí: Đẹp, ấn tượng trong việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm, vùng đất, con người Nha Trang – Khánh Hòa…”. Như vậy, Tháp Trầm Hương chính thức được sử dụng vào mục đích quảng bá du lịch, thương mại, phục vụ hoạt động văn hóa xã hội, không có chức năng công trình tâm linh.

Ngày 22/12/2008, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ khánh thành Tháp Trầm Hương. Sau đó giao cho Công ty Du lịch Khánh Hòa quản lý từ tháng 12/2008.

 

Tháp Trầm Hương trong Festival Biển Nha Trang- Khánh Hòa 2009- Chương trình biểu diễn
Tháp Trầm Hương trong Festival Biển Nha Trang- Khánh Hòa 2009- Chương trình biểu diễn "Nối vòng tay lớn". (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

Công trình Tháp Trầm Hương thay cho Công trình nghệ thuật Hoa Biển được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, còn nhiều dư âm về việc dỡ bỏ Đài liệt sĩ và hệ lụy của nó mang tính tâm linh, rất ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, nhân dân. Ngày 05/6/2009, Tỉnh ủy có văn bản Thông báo số 428- RBTTTU; Ngày 11/6/2009, UBND tỉnh có văn bản số 2862/UBND-VX gửi Công ty Yến sào Khánh Hòa, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Công ty Du lịch Khánh Hòa về việc: Thiết kế công trình Điện thờ các anh hùng liệt sĩ tại Tháp Trầm Hương, trong đó chỉ đạo“bổ sung vào thiết kế công trình Điện thờ các anh hùng liệt sĩ tại Tháp Trầm Hương... hoàn thành trước 27/7/2009…Công ty Du lịch Khánh Hòa có kế hoạch bố trí mở cửa hoạt động Tháp Trầm Hương đến 22 giờ 00 mỗi ngày…” Như vậy, tính từ khi Đài liệt sĩ Nha Trang bị dỡ bỏ đến khi Tháp Trầm Hương lại trở thành “Điện thờ liệt sỹ”, vào khoảng 4 năm rưỡi; Nhưng từ khi khánh thành Tháp Trầm Hương 22/12/2008 đến 27/7/2009, chỉ  hơn 7 tháng.

 

Tháp Trầm Hương lung linh trong đêm Festival Biển Nha Trang- Khánh Hòa
Tháp Trầm Hương lung linh trong đêm Festival Biển Nha Trang- Khánh Hòa. (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

Ngày 16/12/2011, UBND tỉnh có văn bản 6930/UBND-VX yêu cầu Công ty TNHH MTV Du lịch Khánh Hòa bàn giao Tháp Trầm Hương cho UBND thành phố Nha Trang quản lý. Ngày 06/3/2012, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản 294/VPUBND- VX gửi UBND thành phố Nha Trang yêu cầu thực hiện văn bản 6930/UBND-VX ngày 16/11/2011. UBND thành phố Nha Trang được giao quản lý Tháp Trầm Hương từ tháng 4/2012.

 

Hình ảnh Tháp Trầm Hương được in trong tài liệu quảng bá du lịch Nha Trang- Khánh Hòa
Hình ảnh Tháp Trầm Hương được in trong tài liệu quảng bá du lịch Nha Trang- Khánh Hòa đi quốc tế. (Ảnh: TMN)

Ngày 16/05/2012, UBND thành phố Nha Trang có văn bản số 1960/UBND-TNXK báo cáo hiện trạng, khó khăn vướng mắc sau khi tiếp nhận quản lý Tháp Trầm Hương. Ngày 27/8/2012, UBND tỉnh có văn bản 4762/UBND- VX yêu cầu UBND thành phố Nha Trang bàn giao cho Công ty TNHH MTV Yến sào Khánh Hòa quản lý từ 10/9/2012, yêu cầu Công ty Yến sào lập kế hoạch sửa chữa, sử dụng các tầng cụ thể, trình UBND tỉnh phê duyệt trong Quý 3/2012. Như vậy, Công ty TNHH MTV Yến sào Khánh Hòa quản lý Tháp Trầm Hương từ tháng 9/2012, có sửa chữa Tháp vào Quý 3/2012 theo chỉ đạo của UBND tỉnh, từ khi sửa chữa đến nay đã 9 năm.

 

Tài liệu quảng bá du lịch nội địa của Khánh Hòa
Tài liệu quảng bá du lịch nội địa của Khánh Hòa. (Ảnh: TMN)

Sửa chữa công trình Tháp Trầm Hương theo hướng nào

Qua khảo sát thực tế Tháp Trầm Hương: Tầng 1: Phòng bảo vệ, đón khách; Tầng 2: Trưng bày giới thiệu sản phẩm Yến sào; Tầng 3: Trưng bày ảnh quảng bá về Yến sào Khánh Hòa; Tầng 4: Thờ liệt sĩ. Khu vực điện thờ liệt sĩ thiết kế đẹp, bài bản, trang nghiêm, có bàn thờ, bia khắc tên liệt sĩ, sổ vàng ghi tên và thông tin về các liệt sỹ đặt trên giá… Nhưng khá trật trội, ít hình ảnh tư liệu về cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Khánh Hòa; Khu vực trưng bày hình ảnh, sản phẩm ít người xem, mua hàng…. Mặt kính, nước sơn đã cũ kỹ, xuống cấp, việc sửa chữa nâng cấp là rất cần thiết.

 

Tháp Trầm Hương, biểu tượng của Nha Trang, đồng thời là nơi thờ cúng liệt sĩ
Tháp Trầm Hương, biểu tượng của Nha Trang, đồng thời là nơi thờ cúng liệt sĩ. (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

Ngày 21/7/2021, UBND tỉnh có văn bản số 6736/UBND-XDNĐ gửi Sở Văn hóa và Thể thao, trong đó nêu rõ: “Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, liên quan đến việc sửa chữa công trình Tháp Trầm Hương, thành phố Nha Trang hiện đã xuống cấp; nghiên cứu giải pháp tổ chức quản lý sử dụng công trình Tháp Trầm Hương để đảm bảo mục tiêu là điểm đến về văn hóa tâm linh, quảng bá và phát huy giá trị các sản phẩm đặc trưng của Khánh Hòa (Yến sào, Trầm hương), xứng đáng là biểu tượng của thành phố Nha Trang…

Ngày 10/9/2021, Sở Văn hóa và Thể thao có văn bản 1976/TB-SVHTT thông báo nội dung cuộc họp ngày 10/9/2021 với các sở, ngành có liên quan, Công ty Yến sào Khánh Hòa, Công ty Trầm hương Khánh Hòa ATC, đề xuất phương án cải tạo, sửa chữa, quảng bá và phát huy giá trị các sản phẩm đặc trưng tại Tháp Trầm Hương, trong đó đáng chú ý: …”Phương án cải tạo, sửa chửa (không làm thay đổi kết cấu)

Khu vực bên ngoài Tháp Trầm Hương: sắp đặt, bố trí, kết nối với các khu vực xung quanh thành một quần thể hài hòa…tăng cường hệ thống ánh sáng, chiếu sáng mỹ quan ( khối Tháp và khu vực xung quanh), nhằm phục vụ cho các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trình diễn nghệ thuật thưởng Trầm, Yến sào…

 

Tháp Trầm Hương xây dựng trên khu đất tâm linh nhưng rất đắc địa
Tháp Trầm Hương xây dựng trên khu đất tâm linh nhưng rất đắc địa. (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

Khu vực bên trong Tháp Trầm Hương: Phương án sửa chữa  cần theo ý tưởng xây dựng thành một câu chuyện xuyên suốt về hình ảnh, văn hóa, con người, sản vật tiêu biểu của Khánh Hòa, hình thành điểm đến về văn hóa tâm linh, tôn vinh các sản phẩm đặc trưng của Khánh Hòa để giới thiệu với nhân dân và du khách đến tham quan. Theo đó: Đối với tầng trệt…tập trung vào việc trưng bày, giới thiệu về Tháp Trầm Hương, các đặc trưng tiêu biểu, nổi bật nhất của tỉnh Khánh Hòa về văn hóa, con người, hình ảnh, các sản vật gắn liền với thương hiệu của Khánh Hòa (Yến sào, Trầm hương). Đối với tầng 1…Nghiên cứu phương án trưng bày nơi đây là điểm nhấn riêng về Yến sào Khánh Hòa. Đối với tầng 2…Nghiên cứu phương án trưng bày nơi đây là điểm nhấn riêng về Trầm hương Khánh Hòa. Đối với tầng 3…Nghiên cứu phương án nơi đây trở thành nơi trưng bày hình ảnh, trình chiếu các hình ảnh công nghệ 3D về Yến sào, Trầm hương …để tăng cường cảm quan của du khách.Đối với tầng 4…Nghiên cứu bổ sung thêm việc giới thiệu tổng quát về truyền thống cách mạng của nhân dân tỉnh Khánh Hòa, các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đối với tầng 5…Không sử dụng việc khai thác và phục vụ du khách tại tầng này….”

Một số ý kiến và dư luận cần quan tâm

Qua văn bản của UBND tỉnh, văn bản của Sở Văn hóa và Thể thao lấy ý kiến các ngành, đơn vị có liên quan, đã có nhiều ý kiến chuyên gia và dư luận cần quan tâm:

Việc sửa chữa, nâng cấp là cần thiết, nhưng “ không làm thay đổi kết cấu” của Tháp, là vấn đề rất nhiều người quan tâm vì liên quan đến yếu tố tâm linh của hàng ngàn gia đình liệt sĩ. Nhiều chuyên gia, nhà doanh nghiệp còn cho biết: Qua nhiều kỳ festival Biển Nha Trang- Khánh Hòa từ 2009 đến nay; Nhiều sự kiện trong nước, quốc tế tổ chức tại Nha Trang; Nhiều tài liệu, phim ảnh quảng bá, giới thiệu du lịch Khánh Hòa mà các cơ quan, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đổ bao công sức tiền bạc để làm, hình ảnh Tháp Trầm Hương đã trở thành biểu tượng không thể thiếu khi nói về Nha Trang- Khánh Hòa.

Khu vực bên ngoài của Tháp: Cho phép “sắp đặt, bố trí, kết nối với các khu vực xung quanh thành một quần thể hài hòa… nhằm phục vụ cho các hoạt động nghệ thuật biểu diễnTheo một số chuyên gia, sửa sang bên ngoài làm tôn thêm vẻ đẹp của Tháp Trầm Hương, và tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật bên ngoài tháp là việc nên làm. Đây sẽ trở thành một “sân khấu” đắc địa cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, mặt bằng sân xung quanh Tháp hiện quá trật hẹp, nên mở rộng thêm sang phần công viên xung quanh, nhưng kiến trúc sân phải đẹp, hài hòa với Tháp, có thể làm sân khấu cho các hoạt động “văn nghệ đường phố”, “văn nghệ truyền thống”, ca múa nhạc… thường  xuyên phục vụ công chúng và du khách.

Khu vực bên trong Tháp:Theo ý kiến nhiều chuyên gia: Diện tích và kết cấu trong lòng mỗi tầng Tháp khá hẹp, nên bố trí: Tầng 1: Điểm nhấn Yến sào; Tầng 2: Điểm nhấn Trầm Hương; Tầng 3 và Tầng 4: Điện thờ liệt sĩ (mở rộng).  Giới thiệu về truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa; Đặt bia khắc tên và sổ vàng ghi tên liệt sỹ (Tầng 3: Kháng chiến chống Mỹ; Tầng 4: Kháng chiến chống Pháp), hình ảnh về sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ trong các cuộc kháng chiến, giữ nguyên vị trí đặt bàn thờ liệt sĩ tại tầng 4 như hiện nay… Hiện tại, việc thờ cúng, đặt bia liệt sĩ, hình ảnh kháng chiến  chỉ có tại tầng 4 nên quá trật trội. Nếu để tầng 3 trưng bày hình ảnh, trình chiếu phim 3D sẽ tạo thành “điểm nghẽn” trong tháp, gây ồn ào, thậm trí “mất trật tự”, có thể ảnh hưởng tới sự tôn nghiêm trên tầng 4 là nơi thờ cúng liệt sĩ.  Tầng 5: Có sân thượng, nhìn ra xung quanh thành phố và biển Nha Trang rất đẹp; Nên  khai thác tổ chức cho du khách lên ngắm cảnh, chụp ảnh, tăng sức hấp dẫn cho Tháp,  tạo cho nơi đây thành một điểm thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cần gia cố đảm bảo tính tôn nghiêm, an toàn, bố trí lực lượng hướng dẫn phục vụ du khách. Từ tầng 1 đến tầng 4 khách vào nên miễn phí, nhưng khách lên tầng năm ngắm cảnh chụp ảnh có thể bán vé, thu phí.

 

Lên sân thượng tầng 5- Tháp Trầm Hương nhìn vào thành phố, ra biển đều rất đẹp
Lên sân thượng tầng 5- Tháp Trầm Hương nhìn vào thành phố, ra biển đều rất đẹp. (Ảnh: Trần Minh Ngọc)

Thay cho lời kết

Dưới con mắt của người làm kinh tế thiếu sâu sắc, có thể khu đất xây dựng Tháp Trầm Hương rất đắc địa cho việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu, buôn bán kiếm lời. Nhưng thực tế cho thấy: Khu đất từng xây Đài liệt sĩ, không chấp nhận “công trình nghệ thuật Hoa Biển”, xây Tháp Trầm Hương cũng trở thành Điện thờ liệt sĩ, chứng tỏ nó mang xứ mệnh tâm linh, chỉ phù hợp với việc xây dựng công trình thờ cúng liệt sĩ. Công trình tâm linh có thể tôn tạo, xuống cấp có thể sửa chữa, nhưng phải tuân thủ quy luật văn hóa tâm linh, phong tục, tập quán, nguyện vọng của nhân dân. Việc sửa chữa Tháp Trầm Hương còn chờ quyết định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa. Hy vọng Tháp được sửa chữa nâng cấp, tôn tạo, nhưng không bị cưỡng bức những kiến trúc chắp vá thiếu thẩm mỹ, những chức năng không phù hợp với xứ mệnh thiêng liêng của tháp.

Trần Minh Ngọc