Đây là nhà máy bán dẫn thứ hai tại miền Bắc, sau nhà máy bán dẫn của Tập đoàn Hana Micron tại Khu Công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang.
Tập đoàn Amkor đến Việt Nam với mục tiêu mở rộng thị trường sản xuất và mong muốn Việt Nam trở thành cứ điểm quan trọng, là cột trụ trong mạng lưới hoạt động và phát triển về lĩnh vực bán dẫn của Tập đoàn trong tương lai.
Nhà máy tại Bắc Ninh có tổng số vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động và tới năm 2035 sẽ tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động.
Sự hiện diện của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại lễ khánh thành nhà máy của Tập đoàn Amkor hôm nay, cũng như tại lễ khánh thành nhà máy bán dẫn tại Bắc Giang của Tập đoàn Hana Micron giữa tháng Chín vừa qua thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam đối với sự phát triển của ngành bán dẫn tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT, các bộ, ngành xây dựng chiến lược, chương trình hành động để phát triển ngành này ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030.
Cùng với đó, Việt Nam đã và đang xây dựng được ngành công nghiệp điện tử đủ lớn ở trong nước, cũng như thu hút ngày càng nhiều các đơn vị sản xuất điện tử lớn. Đây là thị trường trực tiếp của công nghiệp bán dẫn. Việt Nam cũng có một lực lượng lao động tốt trong các mảng kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn.
Việt Nam cũng đang có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn, như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn, như: Viettel, VNPT, FPT, CMC.
Bên cạnh đó Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 03 khu công nghệ cao tại TP. HCM, Hòa Lạc và Đà Nẵng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
Phương Thảo