Lượng xuất khẩu khí đốt qua đường ống hằng ngày tăng trung bình lên 90,2 triệu m3 trong tháng 9/2024, so với 89,6 triệu m3 trong tháng 8/2024 và 90,6 triệu m3 trong tháng 9/2023.

Một công nhân vặn van tại một cơ sở lưu trữ khí gas ngầm gần Striy, Ukraine
Một công nhân vặn van tại một cơ sở lưu trữ khí gas ngầm gần Striy, Ukraine. Ảnh nangluongquocte.petrotimes.vn.

Tổng lượng khí đốt mà Gazprom cung cấp cho EU trong tháng 9/2024 đạt khoảng 2,71 tỷ m3, trong đó 1,44 tỷ m3, tương đương 48,7 triệu m3 mỗi ngày, được chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ. Khối lượng khí vận chuyển qua Ukraine đạt 1,27 tỷ m3 trong tháng trước, tương đương 42,2 triệu m3 mỗi ngày. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu khí đốt của Gazprom sang Châu Âu đạt khoảng 23,8 tỷ m3, tăng 17% so với năm ngoái.

Trước đó, Hãng thông tấn Cộng hòa Séc (CTK) ngày 16/7 dẫn báo cáo tháng Bảy của Tổ chức các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) cho biết, so với cùng kỳ năm 2023, khối lượng khí đốt tự nhiên của Nga xuất khẩu qua đường ống sang các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng 24%.

Theo báo cáo, trong nửa đầu năm 2024 tổng cộng 80 tỷ m3 khí đốt tự nhiên đã được vận chuyển vào EU thông qua các hệ thống đường ống, hơn một nửa trong số đó là nhập khẩu từ Na Uy. Các nước xuất khẩu chủ yếu tiếp theo lần lượt là Algieria, Nga và Azerbaijan.

Lợi nhuận của Gazprom tăng gấp đôi nhờ giá khí đốt tăng cao. Ảnh: Gazprom
Lợi nhuận của Gazprom tăng gấp đôi nhờ giá khí đốt tăng cao. Ảnh Gazprom.

GECF không nêu số liệu cụ thể về từng nhà xuất khẩu, song cho biết so với cùng kỳ năm 2023, lượng khí đốt tự nhiên EU nhập từ Nga đã tăng tới 24%.

Kể từ khi nổ ra xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022, các quốc gia thành viên EU đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, chủ yếu là khí đốt tự nhiên.

EU vẫn đang cố gắng giảm mức tiêu thụ và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, chẳng hạn như LNG từ Mỹ hoặc khí đốt từ Azerbaijan.

Theo Reuters/CTK