Bên lề Quốc hội, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chia sẻ, vấn đề ông quan tâm nhất trong phiên thảo luận tại Quốc hội lần này là trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo đại biểu Vân, với sự năng động, tích cực của lãnh đạo Chính phủ và nhất là Thủ tướng Chính phủ, bộ máy nhà nước nói chung và bộ máy hành chính nói riêng đã vận hành khá tốt. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận thấy, vẫn còn đó là tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. 

Khi 'lò' càng 'nóng' thì trách nhiệm người đứng đầu co lại vì sợ liên lụy - Hình 1

ĐBQH Lê Thanh Vân

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, lâu nay, chúng ta thấy rằng, hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đã vận hành tốt hơn kể từ khi Trung ương Đảng có hàng loạt các nghị quyết chấn chỉnh về tổ chức bộ máy, cán bộ. Về phòng chống tham nhũng, với vai trò là Trưởng ban Phòng chống tham nhũng Trung ương, Tổng Bí thư là người đứng đầu đã xử lý nhiều vụ án trọng điểm quyết liệt, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng về phía Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải thực hiện các cuộc kiểm tra vượt cấp. Về điều hành Chính phủ, Thủ tướng đã phải can thiệp cả những vụ như: Quán cà phê Xin chào…  Điều đó cho thấy, hệ thống bên dưới vận hành không tốt. 

"Nguyên nhân của các tình trạng này chủ yếu là người đứng đầu, là bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các cấp, là bộ trưởng… vận hành chưa đồng bộ với người đứng đầu Đảng, Chính phủ", ông Lê Thanh Vân chỉ rõ và lý giải hai nguyên nhân: Thứ nhất, có thể những lãnh đạo này không đủ năng lực để vận hành hệ thống. Thứ hai là các lãnh đạo này chây ỳ, không chịu vào cuộc. Thứ ba là các lãnh đạo này có thể bị níu kéo bởi nhiều lợi ích khác.

“Và gần đây, dường như khi “lò” của Tổng Bí thư càng “nóng” thì trách nhiệm của người đứng đầu có vẻ như co lại vì sợ liên lụy, sợ trách nhiệm. Điều này rất nguy hiểm, làm tính liên thông của hệ thống, tính nhất quán, xuyên suốt từ trên xuống dưới bị đình trệ và có thể bị ách tắc ở khâu nào đó”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Theo đại biểu, thực tế này cũng có thể phản ánh một thực trạng, một mặt các lãnh đạo này lo sợ trách nhiệm, mặt khác là những người này chưa đủ năng lực nhận diện đúng sai, để quyết định những vấn đề kịp thời. Đây là điều phổ biến, đó chính là chất lượng cán bộ, người đứng đầu. Nhiều người có thể bằng nhiều cách chui sâu, leo cao nhưng đến lúc quy kết trách nhiệm thì lại co lại, không dám làm.

“Nghị quyết Trung ương 7 lần này có đưa ra một tinh thần rất cách mạng. Đó là, thay thế ngay cán bộ, không đợi hết nhiệm kỳ nếu cán bộ đó không đáp ứng được yêu cầu công việc, không đáp ứng được năng lực, phẩm chất. Chúng ta chờ đợi tinh thần của nghị quyết này sẽ đi vào cuộc sống”, đại biểu Lê Thanh Vân chia sẻ.

H.V