THCL Thời gian gần đây, việc khai thác cát trái phép đoạn sông Hồng đi qua địa phận thôn Cao Cương (xã Đông Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội) ngày càng nhiều. “Cát tặc” đã ngang nhiên khai thác cát cả ngày lẫn đêm, gây sạt lở bờ sông kè, nút nứt nhà dân gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đến tính mạng và tài sản của người dân. Dù chính quyền địa phương đã  chỉ đạo xử lý, nhưng tình trạng khai thác cát trái phép ngày càng quyết liệt hơn.

Khó xử lý - từ công an?

Tại khu vực sông Hồng, đoạn chảy qua địa bàn xã Minh Châu các tàu thuyền khai thác cát trái phép hoạt động hết công suất suốt đêm. Theo người dân địa phương, việc khai thác cát nêu trên sẽ khiến nguy cơ sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng hơn, đe dọa đến tính mạng, tài sản của gia đình họ. Như vết nứt kéo dài trên từ tầng 3 xuống của gia đình ông Hoạt, hay đoạn sạt giáp ranh xã Đông Quang - Chu Minh đã kéo dài đến cả trăm mét, độ sâu khoảng 1 mét.

Theo Công an huyện Ba Vì, có 9 tàu quốc có biểu hiện neo đậu, lét lút hoạt động khai thác cát; khoảng 8 tàu hút có hiện tượng lét lút hoạt động khai thác. Qua kiểm tra, 9 tàu đứng tên cá nhân mà không xuất trình được giấy tờ. CA huyện đã xử lý 13 vụ, với 15 đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép với tổng số xử phạt hành chính khoảng 150 triệu đồng. Tuy nhiên, chưa đủ cấu thành để xử phạt hình sự.

Báo cáo của CA huyện Ba Vì cũng cho thấy, việc xử lý khai thác cát trái phép vẫn chưa giải quyết triệt để. Nguyên nhân bởi lực lương CS môi trường CA huyện mỏng và phải kiêm nhiệm các công tác khác; thủ đoạt hoạt động của các đối tượng đa số vào ban đêm và ngày nghỉ, thời gian hoạt động ngắn quãng, không thường xuyên, không theo 1 khung giờ cố định; là địa bàn giáp ranh, nên các đối tượng cũng hoạt động khá tinh vi, khi đoàn đến kiểm tra thì dạt sang địa bàn tỉnh khác, máy móc ngừng hoạt đồng hoặc để tàu tự trôi trên sông nên dẫn đến việc khó kiểm tra, xử lý vi phạm; thêm nữa thì cán bộ chuyên trách lái tàu của huyện là không có, nên không có phương tiện ra xử lý tại hiện trường và không có địa điểm trông giữ phương tiện vi phạm nên chưa mang tính răn đe.

Khó xử lý - đến UBND huyện?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn huyện Ba Vì có hai con sông lớn chảy qua. Trong đó, sông Hồng chảy qua 10 xã, sông Đà chảy qua 7 xã.  Với việc khai thác cát, trên địa bàn huyện trước đây chỉ có 1 công ty CP Quảng Tây (Thị trấn Tây Đằng, Ba Vì) được cấp phép. Gần đây, có thêm công ty CP Việt Xuân Mới (trụ sở tại phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng) mới được cấp giấy phép. Tuy nhiên, thực tế công ty Việt Xuân Mới chưa đầy đủ hồ sơ, như việc kinh doanh khai thác ở khu vực nào trên địa bàn, vị trí cắm mốc giới khai thác, yêu cầu về thiết bị, biển số cho tàu bè khai thác như thế nào đều chưa được thực hiện… Dẫn đến tình trạng khai thác với số lượng đông vào ào ạt gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến tình hình chung về an ninh và trật tự trên địa bàn.

Ông Bạch Công Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, sau khi nhận được phản ánh của dư luận và xác minh, UBND huyện nhận thấy đúng là có nhiều thuyền hút cát và gây sạt lở  khu bãi cát. UBND huyện đã họp và triển khai các biện pháp để ngăn chặn và phòng ngừa. Đồng thời, thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra các chủ thuyền.

Cũng theo ông Tiến, thực tế, việc kinh doanh khai thác này thì có những đơn vị có giấy tờ, hồ sơ, thủ tục hợp pháp. Trên địa bàn huyện thì chỉ có 1 công ty duy nhất được cấp phép là đơn vị Quảng Tây. Còn các đơn vị khác trên địa bàn thì trên thực tế không có đơn vị nào được cấp phép. Trong khi đó, do lợi nhuận, do nhu cầu xã hội ngày càng lớn nên vì tư lợi, người dân bất chấp việc khai thác trái phép, dẫn tới hậu quả và ảnh hưởng chung. “Quan điểm chung của UBND huyện là kiên quyết xử lý những đơn vị vị phạm. Tuy nhiên, việc cấp phép thì lại do Thành phố nên huyện khó khăn trong việc kiểm soát. Vì vậy, để làm hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép, các cơ quan chức năng cũng cần làm rõ việc cấp phép. Tránh việc tư nhân lợi dụng “tát nước theo mưa, dẫn tới việc khai thác trái phép ào ạt”, ông Tiến cho hay.

Trần Thiên An (Thương hiệu & Công luận)