Theo giấy phép khai thác khoáng sản số 1045/GP-UBND ngày 30/6/2014 của UBND tỉnh Hưng Yên cấp cho Công ty này có thời hạn 5 năm, trữ lượng khai thác trong 5 năm là 500.000 m3, công suất khai thác 100.000m3/năm. Thời hạn Công ty VLXD Sông Hồng khai thác tiến hành từ 12/08/2013, thời gian cấm hoạt động khai thác theo Quy định của UBND tỉnh Hưng Yên từ 18h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau.

Người dân bức xúc vì đất nông nghiệp bị sạt lở nghiêm trọng

Tuy nhiên việc khai thác của công ty này dường như không tuân thủ đúng theo giấy phép được cấp. Những người dân thôn Ninh Tập, xã Đại Tập cho biết mỗi ngày có tới hàng chục tàu hút không kể ngày đêm. Công ty này còn cho tàu cắm vòi hút ngay tại bãi bồi khiến nhiều diện tích hoa màu của người dân bị sạt lở nghiêm trọng.

Để mục sở thị những lời người dân, phóng viên đã có mặt tại thôn Ninh Tập, xã Đại Tập. Theo ghi nhận, dọc bờ sông hơn chục con tàu lớn nhỏ cắm vòi xuống lòng sông để hút cát. Những con tàu này được gắn mác Sông Hồng hút cách bờ không xa, chúng ngang nhiên cắm thẳng vòi vào bờ. Bên cạnh đại công trường của Công ty Sông Hồng là nhiều diện tích hoa màu của người dân bị sạt lở.

Theo giấy chứng nhận đầu tư số 05101000582 của UBND tỉnh Hưng Yên đã quy định rõ tại mỏ cát có diện tích khoảng 15ha (chỉ được phép khai thác cát dưới lòng sông, cách mép sông lúc cạn ít nhất 100m). Vậy, những con tàu của Công ty Sông Hồng có tuân thủ đúng pháp luật và việc sạt lở nhiều diện tích hoa màu của người dân có phải do những con tàu này gây ra?

Trong buổi làm việc với báo chí liên quan tới vấn đề này, ông Phạm Khắc Khải -  Phó chủ tịch UBND xã Đại Tập đều né trách nhiệm, vị này khẳng định việc cấp phép cũng như trách nhiệm quản lý đều từ bên trên, dưới địa phương không nắm rõ!?

Đây là một vấn đề cấp bách gây bức xúc trong dân, đề nghị ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên nhanh chóng vào cuộc chấn chỉnh những hoạt động khai thác của Công ty Sông Hồng.

Báo Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Tống Tuân – Đặng Hoàng