Hiện nay, khoản tiền gửi này được đánh giá là “khó thu hồi” do OceanBank đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Trách nhiệm để xảy ra nợ xấu thuộc về ai? Từ một khoản nợ xấu liệu có tình trạng “nhận lãi ngoài”?... Đó là những câu hỏi mà dư luận đặt ra xoay quanh vấn đề này.
Đạm Phú Mỹ
Hàng trăm tỷ nợ xấu
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (tiền thân là Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí) là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 02/2003/QĐ-VPCP, bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 19/01/2004.
Ngày 31/8/2007, Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí chính thức chuyển đổi trở thành Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Dầu khí. Ngày 05/11/2007, Công ty chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, với mã chứng khoán DPM, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ 60% vốn điều lệ.
Báo cáo tài chính hàng năm của Đạm Phú Mỹ có phản ánh một số khoản nợ xấu, bao gồm bảo lãnh cho các khoản vay, đầu tư vào Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX), PVC Mekong, gửi vào OceanBank được đánh giá là rất khó thu hồi.
Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Theo đó, Đạm Phú Mỹ khó thu hồi số tiền 114,08 tỷ đồng là khoản hỗ trợ và thanh toán theo cam kết bảo lãnh vốn đối ứng cho các khoản vay của PVTEX. Bởi vì Đạm Phú Mỹ là cổ đông của PVTEX tham gia 25,99% và có cam kết về nghĩa vụ bảo lãnh đối ứng cho các khoản vay tại Ngân hàng Liên Việt PostBank, BIDV và các ngân hàng tài trợ vốn.
Do PVTEX chưa có khả năng trả nợ vay đến hạn nên Đạm Phú Mỹ phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho PVTEX tương ứng với tỷ lệ góp vốn vào PVTEX là 100,96 tỷ đồng. Ngoài ra, Đạm Phú Mỹ đã trích lập dự phòng đối với khoản bảo lãnh và hạch toán lãi phát sinh từ hợp đồng bảo lãnh, và các khoản khác cho PVTEX là 13,62 tỷ đồng.
Không những vậy, số tiền 100 tỷ đồng đầu tư vào PVC Mekong và 562,7 tỷ đồng vào PVTEX đều không đạt hiệu quả, phải trích quỹ dự phòng 100% vốn góp.
Bên cạnh đó, số tiền 284,96 tỷ đồng Đạm Phú Mỹ gửi tại ngân hàng OceanBank “chậm luân chuyển” và cũng chưa biết đến khi nào mới được tất toán, khi OceanBank đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng (tháng 5/2015).
Liên quan đến ngân hàng OceanBank, năm 2014, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) ông Hà Văn Thắm bị bắt để điều tra về các tội “Tham ô tài sản; Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Trong vụ án này, dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin OceanBank đã chi hơn 1.500 tỷ đồng lãi ngoài cho các tổ chức, và cá nhân, và chủ yếu là chi lãi ngoài cho các tổ chức kinh tế có vốn của Nhà nước mà phần lớn là các công ty có liên quan đến ngành dầu khí. Nhưng thực chất là OceanBank đã chi cho các cá nhân, dẫn đến một loạt các lãnh đạo, của các công ty đã “nhận lãi ngoài” từ OceanBank bị khởi tố, bắt giam.
Mới đây nhất, ngày 8/1/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Vũ Thị Ngọc Lan, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP) về tội lạm dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản.
Được biết, trách nhiệm trong sự việc này cũng liên quan tới ông Cao Hoài Dương, hiện là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL). Ông Cao Hoài Dương nguyên là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP thời kỳ tháng 11/2010 -12/2015.
Hàng loạt lãnh đạo công ty nhận lãi ngoài
Vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại PVN liên quan việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Oceanbank đã và đang được xử lý theo các các quy định của pháp luật;… Tuy nhiên, trách nhiệm của HĐQT của Đạm Phú Mỹ liên quan đến các khoản nợ xấu gần 1.000 tỷ đồng (có khoản tiền 284,96 tỷ đồng nợ xấu của Đạm Phú Mỹ gửi tại OceanBank) thì chưa thấy được làm rõ.
Trong các Báo cáo tài chính hàng năm của Đạm Phú Mỹ, vẫn luôn treo khoản tiền 284,96 tỷ đồng gửi vào Oceabank và được coi là khoản nợ xấu.
Nhiều chuyên gia nhận định: “Theo các thông tin tài liệu thì số tiền gần 290 tỷ đồng của Đạm Phú Mỹ gửi OceanBank được xác định là trong chiến lược chung của PVN và HĐQT Đạm Phú Mỹ giai đoạn 2007 – 2015. Có nghĩa là cũng trùng hợp với khoảng thời gian, các công ty liên quan của PVN gửi tiền vào OceanBank.
Trong khi đó, một loạt lãnh đạo của các công ty đã nhận lãi ngoài từ OceanBank đã bị khởi tố, thì việc nghi vấn nhận lãi ngoài của Đạm Phú Mỹ từ OceanBank là một nghi vấn lớn. Việc chứng minh, các cá nhân trong Ban lãnh đạo của Đạm Phú Mỹ có hay không nhận lãi ngoài từ ông Hà Văn Thắm trước hết thuộc về chính những người trong cuộc và sau đó là các cơ quan tố tụng. Hy vọng Đạm Phú Mỹ sẽ nằm ngoài tâm chấn nhận lãi ngoài và không thuộc giai đoạn 2 của quá trình điều tra mở rộng đại án OceanBank”.
Ngoài ra, Báo cáo tài chính các năm gần đây phản ánh lượng đạm tiêu thụ tương ứng với số lượng sản xuất, nhưng các chi phí ngày một tăng cao. Trong đó, có cả chi phí nhân công, đặc biệt là chi phí cho Hội đồng quản trị. Năm 2017, Đạm Phú Mỹ không công bố danh sách nhận lương cụ thể nhưng các số liệu cho thấy dàn lãnh đạo công ty vẫn được nhận mức lương rất khủng. Cụ thể, trong năm 2017, Đạm Phú Mỹ đã chi 6,314 tỷ đồng cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Vừa qua, liên quan đến đại án Hà Văn Thắm, nhiều lãnh đạo các đơn vị dầu khí đã bị điều tra, truy tố thì ẩn số khoản tiền 290 tỷ đồng mà không ai chịu trách nhiệm quả là một điều khó hiểu, khiến dư luận bức xúc có hay không việc đánh trống bỏ dùi, để lọt những người phải chịu trách nhiệm khi gây ra hậu quả nghiêm trọng làm thất thoát tài sản Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Hải Đăng (TH)