Khởi sắc môn phái Nam Hồng Sơn - Hình 1

Năm 1920, môn phái Nam Hồng Sơn được võ sư Nguyễn Nguyên Tộ sáng lập, với ý nghĩa: Nam là võ Việt Nam, Hồng là thiếu lâm Hồng Gia, một môn phái võ Trung Hoa; Sơn là sự vững chãi, hùng vĩ như núi, nhằm phục hồi và lan truyền tinh thần trượng võ của người Việt. 

Cố võ sư Nguyễn Nguyên Tộ đã được các võ sư Hàn Bái, Cử Tốn, Ba Cát nhận làm anh em kết nghĩa. Nhờ đó mà Cố võ sư đã được các Cụ Hàn Bái, Cử Tốn, Ba Cát truyền thụ sở học Võ Việt, để từ đó, thầy đã khéo léo kết hợp giữa võ học Thiếu Lâm với Tinh Hoa võ Việt, Kiến tạo lên bộ môn võ thuật Nam Hồng Sơn ngày nay. 

Cụ Sáu Tộ qua đời, ngôi Chưởng môn phái Nam Hồng Sơn được truyền lại cho Trưởng nam, võ sư Nguyễn Tỵ. Năm 1954, khi ông Tỵ tuổi 17 đã dạy lớp võ đầu tiên để tự vệ ngay tại quê nhà (làng Văn Hội, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội). Trong thời gian chống Mỹ, võ sư Nguyễn Tỵ phải gác võ thuật sang một bên và bước sang lĩnh vực âm nhạc với vị trí của một giảng viên đàn guitar.

Đến năm 1984, phong trào võ thuật thủ đô được khôi phục, võ sư Nguyễn Tỵ vừa dạy đàn vừa dạy võ. Tại các kỳ Hội diễn Võ thuật cổ truyền, môn phái Nam Hồng Sơn có nhiều tiết mục đặc sắc, chất lượng và giành được nhiều thứ hạng cao. Nhiều người kế tục môn phái đã trở thành võ sư, huấn luyện viên tài năng của quốc gia.

Nam Hồng Sơn hiện nay còn gìn giữ được một số bài võ cổ thuộc chương trình thi võ của triều Nguyễn. Về mặt kĩ thuật, võ sư Nguyễn Văn Tỵ vẫn trung thành với chương trình giảng dạy của cha ông sử dụng lúc sinh thời. Ba năm đầu, môn sinh luyện tập võ thuật Trung Hoa, bao gồm tấn pháp, đòn thế và các bài quyền: Long hổ quyền, Tứ lộ đoản quyền, Thảo mã quyền, Phượng vũ quyền, Liên hoa quyền, Hồng côn, Tề mi côn, Quý Châu kiếm, Liên hoa độc kiếm, Liên hoa song kiếm. Những năm tiếp theo, các võ sinh học võ thuật cổ truyền Việt Nam bao gồm các bài như Lão mai quyền, Ngọc trản ngân đài, Siêu xung thiên v.v. kết hợp với tập khí công và nội công.

Hiện nay với hệ thống tổ chức, quy mô phát triển, môn phái đã có hàng ngàn võ sinh thường xuyên luyện tập ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước, thậm chí có những võ đường đã vươn ra hoạt động ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, điều này khẳng định rõ hơn vai trò quan trọng của môn phái trong làng Võ cổ truyền Việt Nam.

Được sự giúp đỡ của Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội; Hội Võ thuật Hà Nội. Môn phái Nam Hồng Sơn đã có nhiều bước phát triển khởi sắc. Trong đó, việc tuyển sinh và phát triển rất được chú trọng với rất nhiều võ đường hoạt động vệ tinh trong các nhà văn hóa, các Trung tâm Thể dục thể thao quận, huyện nội và ngoại thành Hà Nội. Với số huấn luyện viên đông đảo làm nòng cốt có chuyên môn lâu năm, giảng dạy chất lượng cao nên số võ sinh thường xuyên theo học môn phái Nam Hồng Sơn lên tới hàng nghìn em.

Trong các kỳ Hội diễn hàng năm, môn phái Nam Hồng Sơn đã tham gia nhiều tiết mục nhất và cũng giành được nhiều huy chương vàng - bạc - đồng.

Với hệ thống tổ chức, quy mô phát triển rộng; hoạt động thường xuyên ở hầu hết trên khắp các tỉnh, thành, thậm chí có những võ đường đã vươn ra hoạt động ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, điều này khẳng định rõ hơn vai trò quan trọng của môn phái Nam Hồng Sơn trong làng Võ cổ truyền Việt Nam. Là cái nôi ươm mầm nhân tài võ học để cung cấp cho các đội tuyển võ thuật của quốc gia, hướng đến những thành tích ngày càng cao hơn trên trường quốc tế.

Mới đây (ngày 5/8), môn phái Nam Hồng Sơn đã long trọng tổ chức Đại hội môn phái lần thứ 17 tại Tổ đường ở làng Văn Hội, xã Bạch Đằng, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Tới tham dự Đại hội có đại diện các cơ quan ban ngành địa phương, các thành viên trong Ban thường vụ Hội Võ thuật Hà Nội, các môn phái võ cổ truyền, cùng toàn thể võ sinh, võ sư thuộc môn phái Nam Hồng Sơn đến từ khắp các võ đường.

Khởi sắc môn phái Nam Hồng Sơn - Hình 2

Nhiệm kỳ 2 năm, môn phái Nam Hồng Sơn tổ chức Đại hội với mục đích xem xét lại quá trình hoạt động, hoàn thiện về giáo trình huấn luyện, siết chặt hơn nữa về tổ chức, trên dưới đồng lòng với tôn chỉ mục đích của môn phái, thường xuyên rèn luyện cả tài và đức.

Hoan Hoa