Sở hữu tiềm năng lớn để phát triển
Theo số liệu mới nhất được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 5/2024 đạt 1.383.703 lượt khách, tăng 51,0% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung tổng lượng khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 7.583.034 lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023.
![Ảnh internet. Ảnh internet.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/06/24/anh-td1-1719221932.png)
Còn lượng khách du lịch nội địa tháng 5/2024 ước khoảng 12 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách có lưu trú. Lũy kế lượng khách du lịch nội địa 5 tháng đầu năm 2024 ước khoảng 52,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch trong 5 tháng đầu năm 2024 ước hơn 352.000 tỷ đồng.
Báo cáo Tổng quan thị trường quý I/2024 của Savills Việt Nam cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4,6 triệu lượt, tăng 72% theo năm và 3% so với quý 1/2019. Trong đó, khách Hàn Quốc chiếm chủ đạo với 1,2 triệu khách, tăng 150% theo năm. Theo sau đó là khách Trung Quốc với 890 nghìn lượt, cao gấp 6 lần so với quý 1/2023. Các thị trường đáng chú ý khác bao gồm Nhật Bản, Malaysia, Úc, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ và Mỹ.
Bên cạnh đó, theo Cục Hàng không Việt Nam, giá vé máy bay trên các chặng nội địa chính và du lịch đang giảm dần. Cụ thể, trong tháng Sáu, giá vé tương đương từ 13-80% mức giá tối đa trên các chặng bay. Từ ngày 10/6, hãng hàng không Vietjet cũng sẽ tăng loạt chuyến bay đêm trên nhiều đường bay để đáp ứng nhu cầu đi lại trong cao điểm hè, tạo điều kiện thuận lợi gia tăng sự lựa chọn cho hành khách.
Đây là những tiền đề thuận lợi để phát triển thị trường du lịch của Việt Nam trong mùa cao điểm hè năm nay nói chung và phân khúc BĐS nghỉ dưỡng nói riêng. Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng có thời gian ảm đạm kéo dài. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2024, phân khúc này được các doanh nghiệp nhận định có những dấu hiệu khởi sắc.
Đánh giá về tiềm năng phát triển của BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nói: “Thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam sở hữu nhiều khu vực có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và đa dạng, mang đến các lựa chọn lưu trú đẳng cấp thế giới, từ siêu sang trọng đến 4-5 sao. Bên cạnh đó, còn có các phân khúc sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng du khách, tập trung tại các vị trí ven biển trọng điểm, bao gồm các thị trường truyền thống như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang.
Các điểm đến mới như Quy Nhơn và Phú Yên cũng đang thu hút sự chú ý với nhiều khu nghỉ dưỡng đang được xây dựng trong vài năm tới.
Kế hoạch phát triển các khu nghỉ dưỡng mới vẫn rất mạnh mẽ. Các khu nghỉ dưỡng mới như Mandarin Oriental, Bãi Môn sắp ra mắt tại Phú Yên, khá gần tỉnh Quy Nhơn, sẽ là một điểm nhấn. Các dự án mới ở Phú Quốc, chẳng hạn như khu nghỉ dưỡng Park Hyatt Phu Quoc sẽ khai trương vào cuối năm nay”.
![Bất động sản nghỉ dưỡng đã sẵn sàng trở lại đường đua Bất động sản nghỉ dưỡng đã sẵn sàng trở lại đường đua](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/06/24/bds-nghi-duong1-1719219136.jpg)
Ông Matthew Powell cũng cho hay: “Chúng ta cũng đang chứng kiến sự gia tăng trở lại của các BĐS hàng hiệu mới (new branded residences). Ví dụ, các thương hiệu mới ra mắt thị trường như Nobu Residences Đà Nẵng, cũng đang thiết lập một tiêu chuẩn mới cho phân khúc này, hứa hẹn sự phát triển trở lại của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng ở ngưỡng tiêu chuẩn mới”.
Chuyên gia nhận định, những năm qua, BĐS du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam đã có sự phát triển, đa dạng, phong phú về loại hình, cơ cấu sản phẩm. Điều này thể hiện sự nhạy bén của các nhà đầu tư trong việc nắm bắt nhu cầu của du khách, đa dạng phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư trong việc nắm bắt nhu cầu của du khách và phù hợp với mục tiêu đầu tư, khả năng tài chính của các nhóm nhà đầu tư BĐS khác nhau. Triển vọng dài hạn cho phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng vẫn rất lớn. Điều này được dự đoán trên cơ sở tiềm năng vốn có và khả năng phục hồi mạnh mẽ của thị trường du lịch Việt Nam thời gian sắp tới. Về cơ bản, các quy định trong pháp luật đất đai, kinh doanh BĐS vừa được Quốc hội thông qua sẽ là "trợ lực" quan trọng để phát triển loại hình này.
Khơi thông điểm nghẽn
Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS nghỉ dưỡng vẫn còn án ngữ. Trước đó, tại Diễn đàn “Khơi thông dòng chảy bất động sản du lịch nghỉ dưỡng” tổ chức tại Khánh Hoà, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cũng đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc của phân khúc này.
Theo ông Hải, thứ nhất, nguồn cung giao dịch, tồn kho, các dự án mới không có. Đối với quý I/2024, bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam có 9.970 sản phẩm mở bán, trong đó hơn 97% là hàng tồn kho của các dự án đã triển khai từ trước. Toàn thị trường chỉ có 5 dự án mở bán mới, cung cấp 326 sản phẩm, giảm 64% so với cùng kỳ. Thứ hai, về tiếp cận nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu, các dự án triển khai liên quan đến bản án, kết luận thanh tra cũng đang được xử lý. Thứ ba là điều kiện kinh doanh bất động sản, sàng lọc để có những chủ đầu tư đủ năng lực, góp phần hạn chế rủi ro.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cũng chỉ ra một trong những khó khăn để phát triển BĐS nghỉ dưỡng là tính pháp lý về sổ hồng cho các dự án đáp ứng đủ điều kiện.
Ông Matthew Powell cũng nói thêm, vướng mắc của BĐS nghỉ dưỡng cũng đến từ thách thức liên quan đến lượng khách du lịch quốc tế và việc khôi phục thị trường nghỉ dưỡng sau Covid. Mặc dù thị trường du lịch công tác nội địa và du lịch trong nước đã phục hồi, nhưng các điểm đến nghỉ dưỡng trọng điểm vẫn còn dư địa tăng trưởng. Ngoài ra, còn có sự cạnh tranh giữa các quốc gia, đặc biệt là từ Thái Lan”.
“Do đó, các khách sạn và chủ đầu tư đang kỳ vọng vào những cải thiện về chính sách để thu hút thêm khách du lịch quốc tế và khách du lịch quay trở lại, đây có lẽ là những thách thức chính”.
Về giải pháp khơi thông thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng, ông Matthew Powell nhấn mạnh: “Nền tảng thiết yếu của chúng ta là cảnh quan, thương hiệu, vị trí và các hoạt động hấp dẫn trong và ngoài khu nghỉ dưỡng. Điều quan trọng là thu hút du khách đến Việt Nam, tạo điều kiện di chuyển trong nước thuận lợi, bao gồm các chuyến bay nội địa hoặc các đường bay quốc tế mới đến các địa điểm mới. Đồng thời, đảm bảo thủ tục nhập cảnh và visa diễn ra thuận lợi nhất có thể.
Cùng với đó là thu hút du khách quay trở lại và khám phá nhiều hơn về Việt Nam, thay vì chỉ đến một lần duy nhất. Số lượng du khách quay trở lại phụ thuộc nhiều vào khâu hậu cần (logistics), trải nghiệm và khả năng di chuyển thuận tiện trong cả nước.
Mặt khác, cần phải cải thiện một số vấn đề cạnh tranh du lịch để đảm bảo Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ lớn như Đài Loan thay vì Thái Lan và các quốc gia nghỉ dưỡng khác.
![Từ nửa cuối năm 2024, BĐS nghỉ dưỡng được các doanh nghiệp nhận định có những dấu hiệu khởi sắc Từ nửa cuối năm 2024, BĐS nghỉ dưỡng được các doanh nghiệp nhận định có những dấu hiệu khởi sắc](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/06/24/bds-nghi-duong-1719219164.jpg)
Cấn Văn Lực kiến nghị giải pháp, đối với các chủ đầu tư BĐS nghỉ dưỡng, cần kiến nghị đúng, trúng, kiên trì; cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro dòng tiền; chủ động tìm hiểu, tiếp cận, đa dạng hoá nguồn vốn và sản phẩm; chủ động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh doanh tuần hoàn; sẵn sàng thực thi các luật sửa đổi…
Về góc độ địa phương, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KN Holdings kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH KN Cam Ranh chia sẻ: “Trong năm 2024, thị trường du lịch, nghỉ dưỡng Khánh Hòa được dự báo sẽ nhanh chóng hồi phục và giữ được sự tăng trưởng bền vững thông qua nhiều dấu hiệu tích cực. Việc các hãng hàng không lớn đẩy mạnh các đường bay thẳng từ Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc đến Khánh Hòa cũng là tín hiệu tích cực cho BĐS nghỉ dưỡng tại tỉnh.
Tỉnh Khánh Hòa với 2 thành phố du lịch, nghỉ dưỡng là Nha Trang, Cam Ranh đang vươn mình trở thành đầu tàu du lịch khi tốc độ tăng trưởng hiện đã vượt Phú Quốc, Đà Nẵng và điều này đang mở ra tiềm năng phát triển trong chu kỳ mới cho BĐS tại nơi này. Do vậy, ngành BĐS nghỉ dưỡng cần thích ứng nhanh chóng với thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách du lịch sau đại dịch và sau giai đoạn suy thoái kinh tế.
Để gia tăng mức độ cạnh tranh trên bản đồ quốc tế và giữ chân khách nội địa giàu tiềm năng, Khánh Hòa phải phát triển đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhiều tệp khách khác nhau, từ trải nghiệm du lịch tới đầu tư sinh lời”.
Các chuyên gia đều cho rằng, thị trường du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam dự báo sẽ nhanh chóng hồi phục từ năm 2024. Vì vậy, những doanh nghiệp biết chuẩn bị sẵn nguồn lực vững chắc về tài chính, quỹ đất, vị trí quỹ đất, pháp lý... chắc chắn sẽ giành vị thế đi trước. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, kỳ vọng BĐS nghỉ dưỡng sẽ trở lại đường đua phát triển.
Thu Trang