Không bổ sung 18.800 tỷ đồng cho dự án chống ngập, bệnh viện như dự kiến - Hình 1

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải. (Ảnh: QH)

Sáng nay 14/11, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP. Hồ Chí Minh. Tại Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc một số vấn đề về ngân sách, đảm bảo cân đối trong điều kiện còn khó khăn.

Theo đó, về việc cho phép ngân sách Thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước do UBND Thành phố quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu.

Nhất trí về chủ trương này, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề cập tới số tiền 18.800 tỷ đồng đầu tư cho dự án chống ngập và 02 dự án bệnh tuyến cuối thuộc nguồn vốn do ngân sách trung ương đảm bảo.

Đa số ý kiến cho rằng, số thu từ cổ phần hóa phụ thuộc vào tình hình của thị trường, khó xác định trong tương lai, song các dự án này là dự án cấp bách, cần thiết đã được Quốc hội quyết định bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020. Do đó, đề nghị ngân sách trung ương bố trí đủ 18.800 tỷ đồng cho Thành phố để thực hiện các dự án này theo kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội quyết định.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị trong điều kiện áp lực cân đối ngân sách trung ương khó khăn, dự báo có thể tiếp tục giảm, nên Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với đề nghị của Chính phủ không bổ sung từ ngân sách trung ương cho Thành phố 18.800 tỷ đồng để thực hiện các dự án này như dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Về việc cho phép Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu, Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng cơ bản nhất trí, tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần cân nhắc đến mặt bằng bội chi chung của ngân sách địa phương trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (bội chi ngân sách địa phương không quá 0,2% GDP) để không làm ảnh hưởng lớn đến khả năng vay vốn của các địa phương khác, trong đó thủ đô Hà Nội (mức dư nợ là 70%) và ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được thành lập.

TP. Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là địa phương có đóng góp số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cao nhất cả nước (khoảng 28%), tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương là 82%.

Thái Bình