Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt mới vào ngày 23/8, ngay trước ngày độc lập của Ukraine (24/8) để báo hiệu sự ủng hộ liên tục của Washington với Kiev trong cuộc xung đột quân sự với Moscow.
Chính phủ Mỹ đã trừng phạt gần 400 cá nhân, công ty ở Nga và trên toàn thế giới, gồm cả con trai và vợ của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov. Có 46 công ty và 1 công dân Trung Quốc cùng các cá nhân ở Belarus, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Áo, Thụy Sĩ và Liechtenstein cũng bị liệt vào danh sách trừng phạt của Mỹ
Lệnh trừng phạt được mở rộng sang các cá nhân và thực thể ở châu Á, châu Âu và Trung Đông.
Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemov cho biết: "Các công ty, tổ chức tài chính và chính phủ khắp thế giới cần đảm bảo rằng, họ không ủng hộ chuỗi cung ứng công nghiệp quân sự của Nga".
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, có khoảng một chục mạng lưới riêng biệt, gồm hơn 100 cá nhân và tổ chức ở 16 khu vực pháp lý, gồm cả Trung Quốc, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất bị cáo buộc có quan hệ với ngành công nghiệp quân sự Nga.
Mỹ và các đồng minh đã áp đặt hơn 22.000 lệnh trừng phạt đối với Nga kể từ năm 2014.
Cùng ngày 23/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky và công bố một gói viện trợ quân sự mới trị giá 125 triệu USD.
Trong cuộc điện đàm với ông Zelensky, Tổng thống Biden đã tái khẳng định sự ủng hộ "không hề lay chuyển" của Washington đối với Ukraine trong cuộc xung đột quân sự với Nga. Nhà Trắng tuyên bố gói viện trợ bao gồm tên lửa phòng không, thiết bị chống máy bay không người lái, tên lửa chống tăng và đạn dược.
Sau cuộc điện đàm, Tổng thống Zelensky bày tỏ: "Ukraine rất cần nguồn cung cấp vũ khí từ các gói đã công bố, đặc biệt là các hệ thống phòng không bổ sung để bảo vệ đáng tin cậy các thành phố, cộng đồng và cơ sở hạ tầng quan trọng".
Ngay trong ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc điện đàm tương tự với người đồng cấp Ukraine Rustem Umerov về gói viện trợ trên.
Theo baoquocte.vn