Liên quan đến tín dụng bất động sản, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đánh giá, trong 03 năm gần đây, hoạt động cho vay đối với lĩnh vực bất động sản có xu hướng giảm về tỷ trọng cho vay bất động sản so với tín dụng của toàn hệ thống. Từ mức trên 26% của năm 2018, xuống mức khoảng 12% trong năm 2020, thấp hơn tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Tính đến cuối tháng 11/2021, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 12%. Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Du, quyền Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, vừa qua có những vấn đề rất nóng liên quan đến bất động sản.
Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng rà soát và báo cáo về hoạt động cho vay, dự thầu và đặt cọc tiền để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh.
Đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đều đã có báo cáo về vụ việc, chỉ còn một vài tổ chức tín dụng chưa báo cáo và xin báo cáo muộn vài ngày. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn rà soát qua Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) về việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia, trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm.
Qua rà soát, có 04 công ty gồm: Công ty cổ phần Dream Republic, Công ty cổ phần Sheen Mega, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh và Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt , trực thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh là các doanh nghiệp trúng đấu giá. "Kết quả rà soát cho thấy, không có tổ chức tín dụng nào tham gia cho vay đặt cọc đấu giá đất Thủ Thiêm liên quan đến 4 công ty trên", ông Nguyễn Văn Du cho hay.
Chia sẻ thêm về mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin, dự kiến tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 14%. Đồng thời, dòng vốn ngân hàng sẽ được định hướng ưu tiên cho sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực khó khăn do dịch như du lịch, vận tải, lưu trú.
Trái lại, cho vay vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ, thậm chí chặt hơn năm 2021.
"Tuy nhiên, không có nghĩa dòng tiền không vào bất động sản nữa, mà Ngân hàng Nhà nước chỉ hạn chế dòng tiền vào những phân khúc đầu cơ, rủi ro của những dự án lớn. Còn bất động sản phục vụ cho nhu cầu để ở của người dân, cho nhà ở xã hội thì ngân hàng vẫn cho vay", ông Tú giải thích.
Q.N (t/h)