Lực lượng trật tự đô thị phường Bến Nghé (quận 1, TP.HCM) ra quân nhắc nhở, xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.Lực lượng trật tự đô thị phường Bến Nghé (quận 1, TP.HCM) ra quân nhắc nhở, xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. (Ảnh: HOÀNG GIANG)

Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2020 xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020. Tuy nhiên, một số quy định liên quan đến phòng, chống dịch bệnh sẽ có hiệu lực ngay lập tức.

Cụ thể, mức phạt cũ đối với hành vi trốn tránh cách ly y tế là 5-10 triệu đồng. Mức phạt mới tăng gấp đôi, 15-20 triệu đồng. Hành vi không khai hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế bị phạt gấp 10 lần mức phạt cũ. Cụ thể, mức phạt cũ là 100.000-300.000 đồng được thay bằng mức 1-3 triệu đồng.

Vừa qua, hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng bị xem là hành vi vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch. Vi phạm điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013: “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”. Hành vi này bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng. Như vậy, mức phạt trung bình được áp dụng là 200.000 đồng.

Tại TP.HCM, trong tháng 8 đã phạt 3.769 người với tổng số tiền hơn 756 triệu đồng, trung bình 200.000 đồng/người.

Mức phạt mới tăng gấp 10 lần, 1-3 triệu đồng; mức phạt trung bình được áp dụng nếu không đeo khẩu trang là 2 triệu đồng. Ngoài đeo khẩu trang thì các biện pháp bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của cơ quan y tế nhằm phòng, chống dịch COVID-19 còn bao gồm cả rửa tay, giữ khoảng cách, che miệng khi hắt hơi…

Nguyễn Tùng