Tại Tuyên Quang, tuy không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão Yagi, nhưng đây lại là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề từ hoàn lưu của bão. Chưa bao giờ hồ thủy điện Na Hang phải mở toàn bộ 8 cửa xả đáy do lưu lượng nước đổ về hồ lớn như lúc này.
Theo dõi tình hình thời tiết và nhận được thông báo của chính quyền địa phương, Tổ Viễn thông Tuyên Quang – Đài Viễn thông Thái Nguyên, Trung tâm Mạng lưới MobiFone miền Bắc nhận định nhiều khả năng trên địa bàn sẽ xảy ra một trận lụt quy mô lớn, ảnh hưởng nặng nề đến mạng lưới.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đài, Trung tâm, Tổ Viễn thông Tuyên Quang đã khẩn trương triển khai các biện pháp chống lũ, chống lụt và chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó như: Test nguồn dự phòng site cấp 2, kê kích các trạm có nguy cơ ngập, chuẩn bị sẵn nhiên liệu trong trường hợp mất điện diện rộng, điều chuyển pin giữ các node truyền dẫn quan trọng.
Đúng như dự đoán, lũ về Tuyên Quang, thậm chí là nhanh hơn tưởng tượng rất nhiều. Chỉ trong một thời gian ngắn, các huyện thượng nguồn như Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên đều đã bị cô lập. Toàn thành phố Tuyên Quang chìm trong biển nước chỉ sau 1 đêm. Vì thế, toàn bộ anh em Tổ Viễn thông Tuyên Quang phải chạy đua với lũ để đảm bảo an toàn thiết bị, an toàn mạng lưới.
Lũ về, mất điện gần như toàn bộ thành phố Tuyên Quang, nhưng do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các site cấp 2, site CSG vẫn an toàn.
Từ nhà anh Khánh đến nhà trạm cách khoảng 1km, nhưng do nước ngập sâu cùng nhiều dòng nước xiết, các anh phải mất gần 2 giờ mới có thể tiếp cận được trạm.
Sau khi tiếp cận, hai anh nhanh chóng tháo các thiết bị hiện có ở trạm để đưa lên các vị trí cao hơn đảm bảo an toàn, đồng thời mang một số thiết bị hỏng về để sửa chữa. Lúc này đã là gần 1 giờ đêm, nước ngập sâu hơn 2 mét, thậm chí có những điểm ngập sâu đến 3-4 mét.
Trên đường về, do có thêm trang thiết bị và gặp phải một dòng nước xiết, chiếc thuyền nhỏ bị lật, toàn bộ đồ bảo hộ, mũ, điện thoại của hai anh bị trôi theo dòng nước. Tuy nhiên, với tinh thần quả cảm và quyết tâm, hai anh đã tìm lại được toàn bộ trang thiết bị mạng lưới.
Đi được thêm một đoạn, anh Khánh và anh Khởi gặp một người dân đang chơi vơi giữa dòng lũ. Dẫu cho đã thấm mệt vì vừa bị lật thuyền trước đó nhưng đối mặt tình thế rất cấp bách, hai anh đã không màng nguy hiểm, liều mình bơi thuyền ra cứu dân.
Do từ nhỏ đã quen với sông nước, anh Khánh và anh Khởi bình tĩnh điều khiển thuyền đưa người dân đến nơi an toàn và cũng an toàn về đến nhà lúc hơn 3h sáng. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho trạm, tìm lại toàn bộ đồ bảo hộ, mũ, điện thoại… sau khi lật thuyền, hai anh còn dũng cảm, thành công cứu nguy cho dân giữa đêm tối.
Câu chuyện của anh Khánh, anh Khởi chỉ là một câu chuyện nhỏ trong rất nhiều câu chuyện cảm động về tinh thần của cán bộ MobiFone trong những ngày ứng phó với mưa bão và lũ lụt.
Mỗi người lại có một câu chuyện đáng tôn vinh của riêng mình. Anh Nông Văn Quan đã 5 ngày không về nhà, anh Vũ Tiến Đạt, anh Nguyễn Mạnh Hùng thì mải ứng cứu quên ăn, quên ngủ…
Nhiều cán bộ MobiFone đã trực tiếp lên tận vùng sâu vùng xa ứng cứu thông tin, phục vụ khách hàng, động viên tinh thần người dân cùng khắc phục hậu quả sau bão.
Các anh, cũng như rất nhiều cán bộ công nhân viên MobiFone chính là đại diện cho tinh thần người MobiFone ngay lúc này: Nhiệt huyết – Thần tốc - Trách nhiệm – Dũng cảm.
MobiFone thần tốc ứng cứu thông tin, quyết tâm khôi phục mạng lưới, khắc phục hậu quả của bão Yagi trong thời gian sớm nhất để phục vụ khách hàng. Cùng với đó, nhà mạng cũng luôn sẵn sàng đồng hành cùng khách hàng, cùng người dân cả nước chung tay vượt qua những thời khắc khó khăn trong cuộc sống.
Trần Mạnh