Cuối buổi sáng 19/3, phát biểu kết luận hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề “Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện tăng trưởng xanh”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần “3 cùng”: Cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước, với người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn hành động để phát triển kinh tế nói chung, tăng trưởng xanh nói riêng; và cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.
Trước bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội trên thế giới và trong khu vực hiện khó khăn, thách thức còn lớn hơn thời cơ, thuận lợi, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ không chủ quan, lơ là, thỏa mãn những gì đã đạt được; luôn lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, người dân, các đối tác để cùng làm, cùng hưởng, cùng bảo vệ môi trường hòa bình, hợp tác phát triển trên thế giới cũng như khu vực.
Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, mặc dù xu hướng FDI trên toàn cầu suy giảm, nhưng Việt Nam vẫn là một điểm sáng. Năm 2023, thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD tăng 32,1%; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 3,5%.
Thủ tướng nhận thấy, không chỉ về số lượng, khu vực FDI có những đóng góp quan trọng góp phần cải thiện chất lượng của nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, khu vực FDI là một động lực quan trọng góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng pháp luật, cơ chế, chính sách, khả năng quản trị quốc gia.
Đầu tư của các doanh nghiệp FDI là nguồn lực quan trọng, vừa bổ sung vốn, vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao. Hoạt động của ngày càng nhiều các tập đoàn đa quốc gia, quy mô lớn, công nghệ hiện đại góp phần nâng cấp công nghệ, kỹ năng quản lý, cải thiện vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng với những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức nói chung của nền kinh tế, khu vực FDI cũng có một số tồn tại, hạn chế như chất lượng đầu tư, trình độ công nghệ và chuyển giao công nghệ ở một số dự án còn hạn chế; tỉ lệ nội địa hóa còn thấp; sự liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực FDI còn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, bền vững.
Không chỉ thế, số lượng, quy mô các dự án đầu tư vào công nghệ cao, xanh, sạch, thân thiện môi trường còn khiêm tốn. Còn có tình trạng một số địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao; còn phát sinh những bất cập trong quan hệ lao động…
Về tăng trưởng xanh, Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với chuyển đổi số, Việt Nam luôn xác định đây là hai yếu tố cốt lõi, là hai mặt song song thực hiện. Quá trình thực hiện sẽ huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển hệ sinh thái xanh, hệ sinh thái tuần hoàn, chuyển đổi số…
Thủ tướng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp FDI tiên phong trong nhận thức, tư duy và hành động; tiên phong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho tăng trưởng xanh và tiên phong triển khai các dự án, chương trình hành động, kế hoạch phục vụ tăng trưởng, hướng vào làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống.
Hướng đến mục tiêu đó, theo người đứng đầu Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cần thực hiện 3 "đẩy mạnh". Đó là đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, tham vấn chính sách cho Việt Nam; đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, xoay chuyển tình thế; đẩy mạnh hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, quản trị nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành trụ cột.
Về phía Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng cam kết sẽ thực hiện 3 "bảo đảm": bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng, để ổn định và phát triển theo hướng tăng trưởng xanh là xu thế của thời đại; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài; bảo đảm ổn định về năng lượng theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và bảo đảm hệ sinh thái về chuyển đổi xanh.
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng thời nhấn mạnh về 3 khâu đột phá sẽ thực hiện trong thời gian tới về thể chế, hạ tầng và cải cách hành chính, đào tạo nguồn lực chất lượng cao. Cùng với đó là “3 tăng cường”: tăng cường lòng tin giữa doanh nghiệp với Chính phủ, các cấp chính quyền; tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hướng vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, hợp tác công tư.
Thiên Trường (T/h)