Bình luận trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ông James M. Dorsey, chuyên gia cấp cao tại Trường nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam cho rằng, căng thẳng tăng cao tại Sừng châu Phi, trong đó có Djibouti, nơi Trung Quốc đặt căn cứ nước ngoài đầu tiên, sẽ khiến hoạt động kinh doanh của nền kinh tế số một châu Á gặp nhiều khó khăn.

Theo chuyên gia James M. Dorsey, do nằm tại nơi giao nhau của các tuyến hàng hải trọng yếu, gồm Bab-el-Mandeb và vịnh Aden, nên Sừng châu Phi đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì "dòng chảy" của dầu mỏ và hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, nằm kế bên lại là các quốc gia nhiều bất ổn như Somalia, Nam Sudan, Yemen.

Thỏa thuận Sudan – Thổ Nhĩ Kỳ gây lo ngại

Lo ngại về khả năng đối đầu tại Sừng châu Phi tăng cao khi Sudan chấp thuận cho Thổ Nhĩ Kỳ tái thiết thành phố cảng và xây dựng một cảng hải quân nhằm bảo dưỡng cả tàu quân sự và dân sự bên bờ Biển Đỏ hồi tháng trước.

Ông James M. Dorsey cho rằng, thỏa thuận trị giá 650 triệu USD giữa Sudan và Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện quân sự tại Biển Đỏ nhằm hỗ trợ cho cuộc chiến chống khủng bố có thể sẽ khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.

Khủng hoảng vùng Vịnh lan sang Sừng châu Phi: Trung Quốc liệu có nằm trong

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tới thăm Sudan. Ảnh: Reuters

Điều này cũng có thể khiến Trung Quốc lún sâu vào các cuộc tranh chấp đa phương lan từ Sừng Châu Phi và Đông Phi sang Sahel cũng như Trung và Tây Phi. 

Cũng theo ông James M. Dorsey, thỏa thuận giữa Sudan và Thổ Nhĩ Kỳ có thể cho thấy tình trạng đối đầu đóng vai trò quan trọng với địa chính trị của khu vực Sừng châu Phi. Cả Ả Rập Saudi và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đều lo ngại về việc Ankara tăng cường hiện diện quân sự bởi Thổ Nhĩ Kỳ gần gũi với Iran và ủng hộ Qatar.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện có một căn cứ quân sự tại quốc gia vùng Vịnh này và có ý định mở rộng quy mô để bổ sung thêm 3.000 binh lính trong những tháng tới. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có một cơ sở huấn luyện tại Somali. Hai nước đang thảo luận về thiết lập một căn cứ ở Djibouti.

Ả Rập Saudi và UAE, quốc gia có căn cứ ở Berbera thuộc khu vực tự trị Somaliland và Eritrea, lo ngại thỏa thuận trên sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia mà họ có mối quan hệ căng thẳng bởi những bất đồng về Qatar, Iran và các nhóm Hồi giáo như nhóm Anh em Hồi giáo – cho binh lính đồn trú sát Jeddah.

Ông Dorsey lưu ý rằng, thỏa thuận trên thậm chí còn đáng lo ngại hơn bởi mối quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Sudan đã cải thiện đáng kể sau khi quốc gia châu Phi này cắt đứt quan hệ với Iran vào đầu năm 2016, một chiến thắng của Ả Rập Saudi trong cuộc chiến giữa họ với quốc gia Hồi giáo Iran về tầm ảnh hưởng ở châu Phi.

Kể từ đó, Sudan đã đóng góp 6.000 binh lính cũng như các chiến binh thuộc bộ lạc Janjaweed vào cuộc can thiệp quân sự do Ả Rập Saudi dẫn đầu ở Yemen. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nới lỏng lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Sudan hồi tháng 10 năm ngoái theo yêu cầu của Ả Rập Saudi.

"Tâm bão"

Thỏa thuận giữa Sudan và Thổ Nhĩ Kỳ còn cuốn Ai Cập vào vòng xoáy xung đột. Ai Cập cho rằng, thỏa thuận có thể đẩy Sudan vào cuộc xung đột biên giới tại Halayeeb. Gần đây, Sudan cáo buộc Ai Cập triển khai binh lính trên khu vực biên giới Sudan và điều chiến đấu cơ bay trên khu vực bờ biển nước này.

Tuần trước, Sudan đã đóng cửa biên giới với Eritrea giữa lúc có thông tin rằng Ai Cập, với sự ủng hộ của UAE, đã điều binh lính tới Eritrea. Trước đó, Sudan khiếu nại lên Liên Hợp Quốc về việc hiệp định phân định hàng hải giữa Ai Cập và Ả Rập Saudi đã xâm phạm vùng biển ngoài khơi Halayeeb mà Sudan tuyên bố chủ quyền.

 Khủng hoảng vùng Vịnh lan sang Sừng châu Phi: Trung Quốc liệu có nằm trong Khu vực Sừng châu Phi. Ảnh: Agritech

Ai Cập lo ngại tình trạng leo thang căng thẳng sẽ khiến những bất đồng sâu sắc với Sudan cũng như Ethiopia về con đập lớn mà Ethiopia đang xây dựng ngày càng khó giải quyết. Con đập, có thể làm giảm bớt lượng nước sông Nile, được coi là "dây cứu đắm" của Ai Cập. Các cuộc đàm phán về con đập hiện vẫn trong tình trạng bế tắc.

Khủng hoảng vùng Vịnh, thậm chí không cần Thổ Nhĩ Kỳ nhúng tay vào, đã đặt thỏa thuận hòa bình mong manh tại Sừng châu Phi bên bờ vực tan vỡ.

Phản ứng lại quyết định hạ cấp quan hệ của Eritrea và Djibouti khi cuộc xung đột vùng Vịnh bùng phát vào cuối tháng 6, Qatar đã rút lực lượng gìn giữ hòa bình gồm 400 binh lính khỏi hòn đảo Doumeira bên bờ Biển Đỏ.

Eritrea ngay lập tức chiếm giữ Doumeira – hòn đảo mà Djibouti cũng tuyên bố chủ quyền trong một động thái có thể dẫn tới bùng phát xung đột vũ trang

Trong khi thu được những lợi ích to lớn, khu vực Sừng châu Phi có nguy cơ rơi vào xung đột bạo lực vốn đã trở thành một cuộc chơi lớn đối với cả các đối thủ Trung Đông và châu Phi.

"Các nhà hoạt động Mùa xuân Ả Rập trước đây có thể góp phần vào tiến trình quân sự hóa của Sừng châu Phi và thậm chí nguy hiểm hơn, làm thay đổi cán cân quyền lực tại khu vực xung đột này," Patrick Ferras, Giám đốc cơ quan Giám sát Sừng châu Phi nhận định.

Dù vô tình hay cố ý, căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti đã đặt Bắc Kinh vào tình thế không thể tránh khỏi, chuyên gia James M. Dorsey kết luận.

Thùy Lâm - Thoidai