Phát biểu khai mạc, Viện trưởng CIEM, TS. Trần Thị Hồng Minh, cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Những thách thức này trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh Việt Nam cũng đang tiếp tục quá trình tăng dân số và đô thị hóa, quá trình công nghiệp hóa, kéo theo những hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên (bao gồm cả đất đai), lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước…
Nhận thức được tính cấp thiết của vấn đề, CIEM đã chủ động đề xuất nghiên cứu và tham vấn các chuyên gia, nhà đầu tư về kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, CIEM đã báo cáo Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
![Toàn cảnh Diễn đàn Toàn cảnh Diễn đàn](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/06/12/12620230612104050-1686564519.jpg)
Theo Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Anh Dương: Kinh tế tuần hoàn là một mô hình tổ chức hoạt động kinh tế hiện đại có tính khép kín và liên hoàn của nhiều đơn vị sản xuất gắn kết với nhau trên nguyên tắc “mọi thứ đều là đầu vào của sản phẩm khác”, tận dụng hiệu quả dịch vụ kết nối về các dịch vụ tài chính, logistics, công nghệ thông tin và truyền thông, hướng tới liên kết sản xuất có tính tuần hoàn.
Hiện nay, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang là một xu hướng mạnh mẽ, tất yếu ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi chính những lợi ích về cả kinh tế và môi trường
Về mặt lợi ích, mô hình kinh tế tuần hoàn giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và tối ưu hóa giá trị gia tăng trên cơ sở giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất, hợp lý hóa quy trình đầu vào - đầu ra của các quy trình gắn với đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và thu nhập của người lao động, sản xuất và sử dụng hợp lý các dạng năng lượng tái tạo trong sản xuất, và phục hồi tài nguyên có thể tái tạo được, thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giảm phát thải và góp phần chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Để sớm hiện thực hóa lợi ích từ kinh tế tuần hoàn, cần tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện chuyển đổi, sáng tạo mô hình kinh tế tuần hoàn, nhất là các ngành lĩnh vực có nhiều tiềm năng như nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng...
TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết, Quyết định số 687/QĐ-TTg là một trong những nỗ lực quan trọng đầu tiên nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tư duy hướng tới khía cạnh “kinh tế” của mô hình kinh tế tuần hoàn và nhấn mạnh quan điểm về “tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn, gắn với lộ trình, kết quả cụ thể; đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc và tạo dựng sự linh hoạt, chủ động nhằm sớm phát huy mô hình kinh tế tuần hoàn theo cấp độ phù hợp ở các ngành, lĩnh vực, địa phương”.
CIEM kỳ vọng, sẽ sớm đề xuất được một cơ chế thử nghiệm hiệu quả để phát triển kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn tới đây; đồng thời, sẽ tổng hợp, tập trung nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện Dự thảo Nghị định trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ trong thời gian tới.
Thảo Nguyễn (Th)