Khởi động du lịch kích cầu lần hai

Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho biết, ngành du lịch và hàng không đã bị đại dịch Covid-19 tàn phá. Đặc biệt, đợt bùng phát dịch mới tại Đà Nẵng khiến du lịch nội địa vừa được tái sinh và thể hiện sức sống vài tuần đã chịu tác hại mang tính hủy diệt. Trong tuần ngay trước ngày 25/7 khu nghỉ dưỡng Victoria Hội An đã đón 160 khách/ngày thì ngay lập tức còn 0 khách trong tháng 8; khu nghỉ dưỡng Intercontinental Phú Quốc cũng trong thảm cảnh tương tự, trước đợt bùng phát dịch mới đón bình quân 200 khách/ngày thì đến đầu tháng 8 chỉ còn chưa đến 20 khách/ngày; nhiều khách sạn bị đóng cửa và được chào bán.

Theo Hội đồng Tư vấn Du lịch, kịch bản phục hồi ngành du lịch Việt Nam trong COVID-19 còn khó đoán, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Thách thức lớn là đã có nhiều khách sạn bị đóng cửa và đang được chào bán trên thị trường. Hiện nay, ngành du lịch và các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch phục hồi thật kỹ lưỡng, phù hợp với xu hướng thị trường. Điều này đòi hỏi sự quan tâm và chú trọng đến tâm lý và hành vi của du khách giữa đại dịch.

Trong bối cảnh hiện nay, du lịch nội địa là nút mở duy nhất cho ngành du lịch duy trì hoạt động, trong khi du lịch quốc tế chưa thực sự trở lạiTrong bối cảnh hiện nay, du lịch nội địa là nút mở duy nhất cho ngành du lịch duy trì hoạt động, trong khi du lịch quốc tế chưa thực sự trở lại

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai chương trình kích cầu hướng tới mục tiêu khôi phục, đẩy mạnh hoạt động du lịch. Đây được coi là sự kiện mở đầu cho các sự kiện kích cầu tiếp theo, được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho ngành du lịch, duy trì phát triển du lịch nội địa, góp phần  đưa hoạt động du lịch sôi động trở lại. Tham gia chương trình có đại diện các cơ quan  quản lý, hiệp hội, đại diện hàng không, doanh nghiệp lữ hành, tập đoàn lớn và hơn 70 cơ quan báo chí.

Theo Tổng cục Du lịch, chương trình sẽ tập trung chủ đề du lịch Việt Nam an toàn và hấp dẫn. Trong đó, kích cầu du lịch nhưng đảm bảo an toàn. Người cung ứng dịch vụ và môi trường cung cấp dịch vụ từ vận  chuyển, hàng không, lưu trú, khu vui chơi giải trí… phải tuân thủ các quy định về quy trình an toàn phòng chống dịch bệnh. Đồng thời cả từ phía khách du lịch có ý thức chủ động phòng chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và cài đặt  các ứng dụng như Bluezone. Các sản phẩm du lịch phải hấp dẫn. 

Do tính kết nối tốt giữa các liên minh kích cầu nên sẽ có nhiều sản phẩm du lịch, các tuyến du lịch mới, hấp dẫn cả về giá, chất lượng, sự đa dạng, kích cầu chi tiêu của khách. Chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt để khách du lịch có thêm nhiều lựa chọn. Hoạt động kích cầu tập trung vào chất lượng, tăng trải nghiệm từ đó tăng nhu cầu chi tiêu của khách. 

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2 chuẩn bị diễn ra tiếp tục hướng đến khách du lịch nội địa, với mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch vừa an toàn, vừa hấp dẫn về giá và chuyến đi có thời gian phù hợp. Các sản phẩm du lịch phải bảo đảm chất lượng và thực hiện đến hết năm 2020, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia kích cầu để tạo lực thúc đẩy mạnh mẽ.

Lấy đà để chạy

Ngay sau kì nghỉ 2/9 trôi qua, các địa phương trên cả nước đã bắt đầu khởi động lại chiến dịch kích cầu du lịch đợt hai. Đơn cử, mới đây Quảng Ninh đã tung ra gói kích cầu khoảng 100 tỉ đồng, giảm giá vé các khu tham quan, du lịch. TP HCM cũng không ngoại lệ khi tiếp tục tung nhiều chương trình kích cầu mới vào đầu tháng 9, kế sau gói kích cầu hồi tháng đầu tháng 6.

Riêng với các điểm nóng của dịch COVID-19 là Đà Nẵng và Quảng Nam, hai tỉnh này cũng bắt đầu "rục rịch". Đà Nẵng bắt đầu nới lỏng việc đi lại của người dân, cho phép các phương tiện giao thông đi và đến Đà Nẵng. Mới đây ngày 20/9, Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đã chính thức đón khách trở lại sau gần hai tháng chống dịch.

Tận dụng cơ hội và hưởng ứng chương trình kích cầu, nhiều công ty lữ hành theo đó đã chào bán các tour, tuyến với chính sách ưu đãi chưa từng có. 

TST Tourist dự kiến tung ra thị trường những đường tour du lịch ngắn ngày và tour du lịch mùa thu với điểm đến chọn lọc và an toàn. Vietravel cũng không thua kém khi đã chào bán những bộ sản phẩm du lịch nội địa giảm giá đến 50%.

ngày 20/9, Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đã chính thức đón khách trở lại sau gần hai tháng chống dịch.Ngày 20/9, Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đã chính thức đón khách trở lại sau gần hai tháng chống dịch

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism JSC) Nhữ Thị Ngần chia sẻ, lần kích cầu du lịch lần này là rất cần thiết để tạo đà cho các hoạt động du lịch bình thường trở lại, tạo tiền đề cho du lịch hồi phục trong thời gian tới.

Trên thực tế, tại nhiều công ty lữ hành, khách đi du lịch đã có trở lại từ dịp nghỉ lễ 2/9. Đó là nguồn khách đoàn như doanh nghiệp, trường học, xí nghiệp, với các tour tổ chức linh hoạt, gọn nhẹ.

Theo bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc truyền thông lữ hành Fiditour, nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, dự đoán tour đoàn sẽ tăng trở lại từ nay đến cuối năm với các đoàn lớn, với số lượng từ 100-500 khách. Fiditour cũng đang xúc tiến hợp đồng và làm việc với nhiều khách hàng khối khách đoàn cho kế hoạch tour MICE, team building,... từ tháng 10-12.

Bà Ngần cũng cho rằng, du khách đang có tâm lý ngại đi đoàn đông. Yêu cầu của khách cũng thay đổi rất nhiều, dịch vụ phải mang tính chuyên nghiệp hơn, trải nghiệm đặc biệt hơn chứ không chỉ đơn thuần là tham quan rồi ăn, uống, ngủ, nghỉ nữa. Nhu cầu tìm kiếm những trải nghiệm mới, khác biệt, vì thế các sản phẩm từ đây về sau sẽ phải gắn với giá trị mang lại cho khách hàng, chứ không đơn giản là bán tour, tổ chức tour như trước.

Hơn nữa, truyền thông về điểm đến an toàn cần được đặc biệt lưu ý, bởi đây là yếu tố quan trọng để khách du lịch xác định có “xách ba lô lên đường” hay không. Ý tưởng xây dựng ứng dụng bản đồ số về các vùng có dịch và vùng an toàn là cần thiết, nên được gấp rút triển khai để thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường nội địa.

Thiên Trường