Theo ông Đào Minh Tú thì: Từ trước tới nay, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn theo tinh thần kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn như bất động sản, chứng khoán. Đối với bất động sản cũng là đối tượng được kiểm soát chặt chẽ, ở những dự án phân khúc lớn, những dự án có tính chất đầu cơ, thậm chí có tính chất lũng đoạn giá, phải kiểm soát rất chặt chẽ. "Chính vì vậy, chúng tôi vẫn thấy đây là quan điểm cũng như tinh thần chỉ đạo từ trước đến nay và tiếp tục được thực hiện trong năm 2022 và những năm tiếp theo".
Trong chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ, về phía NHNN có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, những đối tượng theo Nghị định 31 của Chính phủ. Đây là một trong những chương trình rất quan trọng. Các ngân hàng thương mại cùng với các ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành đang triển khai tích cực.
Phó Thống đốc NHNN cũng cho biết, tín dụng ở những lĩnh vực tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế được khuyến khích, như tập trung vào phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Thậm chí trong Nghị định 31 và Thông tư 03 của chúng tôi hướng dẫn dành 2% lãi suất để thực hiện dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân, kể cả chung cư cũ. Điều đó chứng tỏ không phải tất cả lĩnh vực bất động sản đều bị kiểm soát chặt chẽ.
Đến giữa tháng 04/2022, tín dụng bất động sản tăng và có dư nợ là 2.288.000 tỷ đồng, mức tăng là 10,19% so với cuối năm 2021. Mức này so với thời điểm cùng kỳ 2021 có tăng nhanh hơn. Tổng dư nợ vào bất động sản chiếm 19,16% so với dư nợ của nền kinh tế, dư nợ tín dụng đầu tư vào lĩnh vực chúng tôi đang kiểm soát chặt chiếm 1/3 - khoảng 785.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng thương mại cho vay bình thường có mức dư nợ khoảng 1.500.000 tỷ đồng, chiếm 66-67% tổng dư nợ tín dụng bất động sản. Quan điểm chỉ đạo của NHNN vẫn tiếp tục theo chủ trương, chính sách. Điều đó không có nghĩa rằng tất cả lĩnh vực bất động sản bị siết lại, không có nghĩa là cung cho bất động sản thiếu.
C.H (t/h)