THCL Vừa qua, kiểm tra tại một số cảng biển, cảng đường thủy nội địa, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cảng không trang bị cân tải trọng. Công tác kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) tại một số cảng như Hải Phòng, TP. HCM còn bất cập.
Kiểm soát trọng tải xe tại các cảng còn lúng túng Ảnh minh họa
Hàng loạt vi phạm về tải trọng
Sản lượng hàng hóa vận tải đường bộ cả nước hiện trên 800 triệu tấn/năm, trong đó hàng từ các cảng biển trên 370 triệu tấn; đường thủy nội địa gần 180 triệu tấn... Như vậy, nếu làm tốt kiểm soát việc bốc/xếp tại các cảng biển và cảng thủy nội địa, đã kiểm soát được gần 2/3 lượng hàng hóa lưu thông hiện nay.
Theo Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT): Hiện nay, công tác kiểm soát tải trọng xe tiếp tục được thực hiện quyết liệt trên cả nước, song tại một số cảng như Hải Phòng, TP. HCM... vẫn còn tình trạng cán bộ, nhân viên lúng túng trong triển khai vấn đề này.
Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng tại các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định và thanh tra các sở GTVT sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 355.349 xe, trong đó 24.853 xe vi phạm về tải trọng, 1.940 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tước 8.147 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 190,6 tỷ đồng.
6 tháng qua, cán bộ thanh tra các cục quản lý đường bộ cũng đã tiến hành kiểm tra 1.195 xe, trong đó 784 xe vi phạm về tải trọng, 204 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tước 581 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 19,4 tỷ đồng.
Cụ thể, cán bộ, nhân viên của các bộ phận làm nhiệm vụ giao, nhận hàng và kiểm soát tải trọng xe của cảng lúng túng trong thực hiện Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe qua khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham giao giao thông trên đường bộ.
Lúng túng thể hiện ở khâu xuất, xếp hàng hóa lên phương tiện đúng tải trọng cho phép. Việc xuất, xếp hàng hóa diễn ra với cả xe quá khổ, quá tải, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, không có giấy phép lưu hành hoặc sử dụng giấy phép lưu hành giả để ra, vào cảng giao, nhận hàng.
Tổng cục Đường bộ cũng nêu rõ: Tính tới hết tháng 6, trong khi triển khai thực hiện, một số bộ cân vì nhiều lý do hay bị hư hỏng, trong khi đó số lượng cân xách tay được các địa phương trang bị còn ít, lực lượng làm công tác kiểm soát tải trọng xe còn mỏng, kinh phí hoạt động còn hạn chế nên tình hình vi phạm về tải trọng, kích thước thùng hàng ở một số địa phương vẫn khá phức tạp, tập trung ở phía Bắc, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Cần phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng
Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết, vừa qua, kiểm tra tại một số cảng biển, cảng đường thủy nội địa, phát hiện rất nhiều cảng không trang bị cân tải trọng, chẳng hạn như cảng Hoàng Diệu ở Hải Phòng. Chỉ tính riêng các cảng biển lớn, có tới một nửa chưa được trang bị cân tải trọng. Như vậy thì kiểm soát tải trọng xe thế nào? Nên chăng, cần bổ sung và tiêu chuẩn kinh doanh cảng biển, đường thủy là phải có cân. Nếu không thì rất khó kiểm soát tải trọng xe.
Những tháng cuối năm, để công tác kiểm soát tải trọng xe đạt hiệu quả cao hơn, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các sở GTVT, các cục quản lý đường bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát giao thông và lực lượng cảnh sát trật tự, kiểm soát quân sự thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát tải trọng xe, nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm, đảm bảo số xe vi phạm trong số xe dừng cân kiểm tra đạt tỷ lệ cao…
Bên cạnh đó, nắm chắc tình hình và thông tin để có kế hoạch kiểm tra đột xuất các phương tiện chở vật tư, vật liệu xây dựng lưu thông vào ban đêm, các phương tiện hết niên hạn sử dụng chở hàng quá tải chủ yếu lưu thông trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện.
Đồng thời, phối hợp với các lực lượng làm công tác xuất, xếp hàng hóa tại các cảng, đặc biệt là tại Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. HCM kiểm tra và xử lý các phương tiện sử dụng giấy phép giả hoặc không có giấy phép lưu hành chở hàng quá khổ, quá tải, hàng siêu trường, siêu trọng; đặc biệt là tình trạng các phương tiện sau khi ra khỏi cảng tiến hành sang tải, dồn tải tại các kho, bãi container.
Đồng thời, Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị các sở GTVT phối hợp với công an cấp tỉnh chỉ đạo các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động căn cứ vào tình hình thực tế nghiên cứu, thay đổi phương thức hoạt động tại các trạm, như: Bố trí lực lượng vừa trực làm nhiệm vụ tại trạm, vừa tuần tra lưu động các tuyến đường trên địa bàn có xe quá tải lưu thông để kiểm tra, xử lý; tăng cường nhiệm vụ cho lực lượng thanh tra giao thông tại các trạm kiểm tra tải trọng xe như được phép dừng xe nếu phát hiện xe quá tải...
Hoan Nguyễn