Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thì, trên hệ thống đường sắt quốc gia hiện vẫn còn 03 cầu chung đường bộ - đường sắt là các cầu Lục Nam, Long Đại, Phố Lu và còn 428 cầu yếu, hết niên hạn sử dụng hoặc không phù hợp quy chuẩn tiêu chuẩn.

Số liệu cụ thể: Tuyến đường sắt Bắc Nam có 87 cầu có dấu hiệu nguy hiểm gồm: 55 cầu khu đoạn Đà Nẵng - Quy Nhơn cần thay thế kết cấu và 32 cầu khu đoạn Quy Nhơn - Sài Gòn cần thay thế cầu, gia cố. Nhiều cầu xây dựng từ cách đây 50 năm, thậm chí cả thế kỷ. 

Cầu đường bộ, đường sắt chung nhau đang được kiến nghị bố trí vốn để sửa chữa, thay thế. Ảnh minh họa internet
Cầu đường bộ, đường sắt chung nhau đang được kiến nghị bố trí vốn để sửa chữa, thay thế. Ảnh minh họa internet.

Đối với cầu chung đường bộ-đường sắt như cầu Lục Nam, Long Đại, Phố Lu thì cầu Lục Nam (km 24+134 tuyến đường sắt Kép - Hạ Long hay còn gọi là cầu Cẩm Lý, bắc qua sông Lục Nam, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang là cầu duy nhất trên hệ thống đường sắt Việt Nam đang đi chung đường bộ - đường sắt trên cùng lòng cầu. Cầu Phố Lu, gọi là cầu Chung Lu, km 3+167 trên tuyến đường sắt Phố Lu - Pom Hán, Lào Cai. Cầu Long Đại, tuyến đường sắt Bắc Nam, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình hiện đã có cầu đường bộ bên cạnh, nhưng người dân vẫn có thói quen qua cầu chung do giao thông đến cầu đường bộ chưa thuận lợi, tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn. 

Từ các khảo sát thực tế trên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bố trí khoảng 1.700 tỷ đồngđể cải tạo, thay thế 87 cầu nguy hiểm và xây dựng các công trình tách giao thông đường bộ, đường sắt chung tại 03 cầu trên. Vốn bố trí được thì vào giai đoạn 2022-2023. Bởi, nhiều cầu đã đến niên hạn sử dụng, làm cầu vượt xử lý các giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt tại 9 vị trí; xử lý nguy cơ đá lăn, đá rơi đảm bảo an toàn tại 14 vị trí; cải tạo, sửa chữa 13 hầm tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh.

Nguồn Bộ GTVT