Cụ thể, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Công Thương bãi bỏ quy định giờ cao điểm bán điện theo khung giờ (9h30 - 11h30). Ngoài ra đề xuất điều chỉnh giảm 50% giá điện giờ cao điểm trong các tháng 3, 4 và 5.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét giảm giá điện cho các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng. VASEP cũng đề xuất cho phép gia hạn thời gian thanh toán tiền điện.
Về phía ngành dệt may, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Hồ Gươm Phí Ngọc Trịnh cũng đề xuất giảm giá điện, giảm các chi phí bến bãi, kho vận tại cảng Hải Phòng.
Một số địa phương và doanh nghiệp đã kiến nghị giảm giá điện (Ảnh: Huy Hải)
Mới đây, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đồng Tâm, cũng gửi tới Chính phủ 10 kiến nghị để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó có việc giảm giá điện.
Theo ông Thắng, Chính phủ có thể hỗ trợ khẩn cấp chi phí sinh hoạt cơ bản của người dân bằng hình thức giảm giá điện. Theo đó, Chính phủ có thể giảm giá điện 50%, cho nợ 50% còn lại, áp dụng vào 3 tháng được cho là đỉnh điểm khó khăn của mùa dịch là tháng 4, 5 và 6.
Ngoài ra, khoản nợ tiền 50% trong 3 tháng đỉnh điểm năm nay có thể chia đều và thanh toán vào năm 2021.
Ông Thắng cũng đề xuất Chính phủ có thể chọn cách thứ hai là hỗ trợ cho mỗi công dân 1-1,5 triệu đồng/người, chia ra nhận làm 3 lần trong tháng 4-6 để hỗ trợ trang trải cho sinh hoạt phí tối thiểu.
Theo PGS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, giá điện của Việt Nam hiện nay vẫn do Nhà nước quản lý, không theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp quyết định. Vì vậy, nếu Nhà nước cần thấy quản lý thì có thể quyết giảm trong thẩm quyền.
“Đây là một vấn đề lớn, nhưng không phải là không thực hiện được”, ông nói.
PGS Nghĩa cho rằng có cách giảm giá điện là Chính phủ xem xét mức giảm cụ thể, sau đó vào kỳ quyết toán cuối cùng hàng năm, có thể giảm các loại thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và cung ứng điện.
Cách thứ hai là Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất điện giảm giá. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cách này khó bởi giá điện phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào, không giống như xăng dầu, giá giảm là do biến động đầu vào của thế giới. Sản xuất điện có nguyên liệu đầu vào nên khó có thể giảm. Ngoài ra, thị trường phát điện đã là cạnh tranh. Các doanh nghiệp chào giá, cơ quan điều tiết sẽ căn cứ vào giá chào để huy động.
Ông cho rằng cách Nhà nước giảm thuế, phí là khả thi nhất để giảm giá điện.
Theo nguồn tin của Zing.vn, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cũng đang xây dựng một số phương án hỗ trợ về giá điện trình cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Trước đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định Bộ Công Thương đã có chỉ đạo đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong năm nay không điều chỉnh tăng giá điện.
Theo Zing.vn