Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai chất vấn Thủ tướng Chính phủ: Xin nhắc lại điều mà tại kỳ họp trước tôi đã hỏi rằng Thủ tướng có thấy sự cần thiết để xây dựng Chính phủ kiến tạo, cần thiết phải từng bước loại bỏ hình thức “phạt cho tồn tại”, một vấn đề tưởng nhỏ nhặt nhưng lại có sức gậm nhấm phá hoại sự tôn nghiêm của pháp luật và làm hư hỏng bộ máy công chức, là nguyên nhân tệ nạn hối lộ và tham nhũng vặt. Cách đây 6 tháng, trong trả lời, tôi thấy câu hỏi đó chưa thuyết phục được Thủ tướng, nay tôi xin hỏi lại một lần nữa.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động cách đây đã 17 năm là một chủ trương lớn và đã có hiệu quả thiết thực, nhưng, theo tôi, đã đến lúc cần thay đổi.
Trong khi các rào cản giám sát của các nền kinh tế tiên tiến của thế giới buộc chúng ta phải làm ăn đàng hoàng mà vụ “rút thẻ vàng” của EU đối với ngành đánh bắt cá của chúng ta là một điển hình, thì việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam khiến thị trường trong nước bị một số doanh nghiệp lợi dụng tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mà tình trạng mất an toàn thực phẩm hay vụ Khaisilk là điển hình.
Mặt khác, trên thực tế năng lực và chất lượng sản phẩm Việt đã có nhiều thay đổi tích cực, bằng chứng là hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu đến các thị trường “khó tính” ngày càng nhiều và có hiện tượng hàng nước ngoài phải gắn mác Việt Nam để tiêu thụ ở Việt Nam.
Theo tôi, đã đến lúc kêu gọi “ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần được xem lại; đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tâm thế để chuyển thành cuộc vận động “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” để chinh phục ngay cái thị trường ngót trăm triệu dân đang bị nhiều doanh nghiệp nước ngoài chinh phục. Đó cũng là điều thường thấy ở các nền kinh tế tiên tiến luôn coi trọng thị trường quốc nội ưu tiên phục vụ chính những người dân của mình.
Tôi đã có lần thấy Thủ tướng gặp gỡ doanh nhân (hồi tháng 5 mới rồi) cũng thoáng nói đến ý tưởng này. Liệu Thủ tướng có coi đó là một định hướng thay đổi trong nhiệm kỳ của mình không?
Thủ tướng Chính phủ: Xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả, kỷ cương, liêm chính và hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân là những mục tiêu, quan điểm nhất quán của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Để đạt được điều đó, Chính phủ xác định phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực thi pháp luật, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
“Phạt cho tồn tại” là một thực tế đã và vẫn còn xảy ra trong xử lý vi phạm hành chính trên một số lĩnh vực của quản lý nhà nước như quản lý đất đai, xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường, giao thông vận tải…
Chính phủ và chính quyền nhiều địa phương đã có các văn bản chỉ đạo và các biện pháp để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nghiêm cấm việc “phạt cho tồn tại” nên tình trạng này đã từng bước được hạn chế như trong lĩnh vực quản lý đê điều, giao thông vận tải… nhưng vẫn là chưa triệt để, nhất là trong lĩnh vực xây dựng đô thị. Tình trạng này có cả nguyên nhân khách quan nhưng chủ yếu vẫn do nguyên nhân chủ quan, trong đó không loại trừ nguyên nhân liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức như Đại biểu quốc hội đã đề cập.
Chính vì vậy, để xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả, kỷ cương, liêm chính và hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân thì phải kiên quyết đấu tranh, loại bỏ mọi biểu hiện phá hoại sự tôn nghiêm của pháp luật, làm hư hỏng bộ máy công chức, nhất là những điều kiện làm nảy sinh tệ nạn hối lộ, tham nhũng, trong đó nhất thiết phải từng bước loại bỏ tình trạng không xử lý nghiêm các vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật mà “phạt cho tồn tại” là một biểu hiện.
Để làm được điều này, trước hết các cấp, các ngành phải tăng cường tính minh bạch, tính nghiêm minh trong thực thi nhiệm vụ, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trên các lĩnh vực quản lý để sớm phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm xảy ra; chú trọng thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm hành chính để kịp thời phát hiện những trường hợp xử lý không kiên quyết, không dứt điểm đối với vi phạm hành chính.
Mặt khác, cần phải tăng cường lực lượng cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức tốt và trang bị đầy đủ phương tiện làm việc để bảo đảm cán bộ có đủ điều kiện thi hành các biện pháp xử phạt hành chính theo quy định.
PV