Nâng tầm cả về giá trị và chất lượng

Xuất khẩu gạo tháng 4/2024 đạt 3,23 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu lên đến 1,93 tỷ USD, tăng 13,5% về lượng và tăng 23,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 46,4% về tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu; thứ hai là Indonesia, chiếm trên 20% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm đạt 1,93 tỷ USD, giá bình quân 644 USD/tấn (Ảnh: Internet)
Kim ngạch xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm đạt 1,93 tỷ USD, giá bình quân 644 USD/tấn (Ảnh: Internet)


Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 4 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đã trúng liên tiếp một số gói thầu lớn.
Gần nhất, tại thị trường Indonesia, Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã mua 300.000 tấn gạo trong một cuộc đấu thầu quốc tế. Trong lần đấu thầu này Bulog đã mua 109.000 tấn từ Việt Nam với giá từ 588-590 USD/tấn với giá thấp nhất là 585 USD/tấn.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 8/17 gói thầu nhập khẩu gạo 5% tấm. Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) mỗi doanh nghiệp trúng 2 gói thầu; Công ty CP xuất nhập khẩu Kiên Giang và Công ty TNHH lương thực Phát Tài, mỗi doanh nghiệp trúng 1 gói thầu.
Đi đôi với kim ngạch xuất khẩu, chất lượng gạo Việt Nam cũng được xếp vào hàng "gã khổng lồ" khi liên tiếp được vinh danh ở các hạng mục quốc tế. 
Tại hội nghị Thương mại Lúa gạo toàn cầu tại Cebu (Philippines), do The Rice Trader tổ chức. Gạo ST25 của Việt Nam đã xuất sắc nhận được danh hiệu gạo ngon nhất thế giới 2023. Vào năm 2019, gạo ST25 của Việt Nam cũng được xướng tên ở hạng mục này. 

Cơ hội vàng để dựng thương hiệu gạo quốc gia (Ảnh: Internet)
Cơ hội vàng để dựng thương hiệu gạo quốc gia (Ảnh: Internet)


Chất lượng được nâng tầm khiến nhiều quốc gia có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm gạo Việt Nam. Nắm bắt thời cơ đó, nước ta đã mở rộng thị trường đến hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, những thị trường "khó tính" như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Trung Đông...
Nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, giá trị gạo Việt Nam và chung tay với thế giới chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải nhà kính...
Chính phủ phát động thực hiện Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030". 
Với mục tiêu, phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính... 
Cơ hội vàng để dựng thương hiệu gạo quốc gia.
Chính phủ giành sự quan tâm đặc biệt đến ngành lúa gạo, nhằm hướng đến mô hình sản xuất lúa gạo sạch, thân thiện với môi trường. Lựa chọn sản phẩm gạo của các thương hiệu uy tín, đạt chuẩn chất lượng Ocop, Viet GAP, Global GAP... cung cấp đến các thị trường khó tính.
Hiện, các quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới đều có các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, đơn cử: gạo Thai Hom Mali của Thái Lan; gạo Phka Romdoul của Campuchia;...
Đối với sản phẩm gạo "Thai Hom Mali" mang thương hiệu quốc gia Thái Lan đã ký thành công nhãn hiệu chứng nhận “Thai Hom Mali rice” ở nhiều quốc gia là thị trường xuất khẩu như Mỹ, Úc, châu Âu...
Điều này giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm gạo Thai Hom Mali chính hãng, đảm bảo chất lượng và hương vị đặc trưng, nâng cao giá thành và chống lại các sản phẩm nhái, giả.
Việt Nam với sản lượng lớn, chất lượng cao, xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, cũng nên cân nhắc lựa chọn một thương hiệu gạo chủ lực để tập trung xây dựng và quảng bá. Việc này giúp tạo sự tập trung, thống nhất và dễ dàng nhận diện trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, việc lựa chọn thương hiệu quốc gia cần đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố như khả năng sản xuất, thị hiếu thị trường, tiềm năng phát triển. Đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...
Một số loại gạo như: Gạo ST24 và ST25 của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí; gạo LT28 và Nàng Hoa 9 của Tập đoàn Lộc Trời; TBR39-1 và nếp A Sào của Tập đoàn Thái Bình Seed... là những thương hiệu gạo nổi tiếng, được lựa chọn tham gia các cuộc thi quốc tế và đạt được nhiều thành tích "đáng nể".
Theo TS Lê Văn Bảnh - nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: "Việc xây dựng thương hiệu gạo Việt cần bao gồm cả thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền và thương hiệu doanh nghiệp. Hiện nay, việc xuất khẩu đang ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên phần lớn chúng ta chỉ xay gạo ra, chà bóng, cho vào bao rồi bán. Hiện nay, các nước châu Âu muốn mua dạng gạo đóng gói 0,5kg, 1kg trong khi mình đóng bao 20kg đến 30kg. Chúng ta phải đẩy mạnh chế biến sâu, những sản phẩm sau gạo mới mang lại siêu lợi nhuận.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải tự làm thương hiệu và tuỳ thị trường và thị hiếu người tiêu dùng, làm thương hiệu cho phù hợp. Ví dụ người dân Đông Bắc Á chuộng gạo hạt dài và dẻo, người dân Trung Đông thích gạo khô, người Tây Âu và Bắc Mỹ thích gạo thơm mình cần phải tập trung xây dựng thương hiệu để đáp ứng nhu cầu…".
Các doanh nghiệp ngành gạo cần đồng loạt vào cuộc, cùng nhau đầu tư về hình ảnh và marketing cho thương hiệu gạo Việt Nam; đầu tư về chất lượng vùng trồng, xây dựng vùng nguyên liệu lớn được canh tác theo tiêu chuẩn cao, sản xuất khép kín từ cánh đồng đến bàn ăn... 
Theo TS Cấn Văn Lực: "Để phát triển thương hiệu mặt hàng xuất khẩu cần thông qua việc xây dựng thương hiệu quốc gia, phát triển các kênh bán hàng ngay tại thị trường đang hướng tới. Để tạo lập giá trị bền vững, thương hiệu nông sản cần được gắn với chỉ dẫn địa lý mang hình ảnh quốc gia. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm không chỉ là nhiệm vụ của doanh nghiệp mà phải thực hiện tầm cỡ quốc gia".
Ngoài ra, cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice). Thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam ở các thị trường trọng điểm. 
Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần xem xét bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, tham gia đấu thầu hợp đồng tập trung và yêu cầu đạt chuẩn đối với nhà máy của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Để xây dựng một thương hiệu cho gạo quốc gia, nhìn chung vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cần được tháo gỡ. Cụ thể như chi phí vận chuyển (logistics) ngày càng là vấn đề đau đầu cho doanh nghiệp nhất là việc giá thành vận tải biển ngày càng cao. Thêm nữa, nhiều doanh nghiệp cần được hỗ trợ mạnh hơn về vốn để nâng cao sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời các vấn đề về thời tiết, dịch bệnh cũng như các vấn đề xung đột chính trị, kinh tế toàn cầu như hiện nay cũng tác động không nhỏ đến ngành gạo Việt Nam.
Tuy vậy, với nhiều ưu thế có được, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của Nhà nước, cơ quan ban ngành, doanh nghiệp và người dân, Việt Nam sẽ xây dựng thành công thương hiệu gạo quốc gia, nâng cao giá trị và vị thế của ngành lúa gạo trên thị trường quốc tế.

Sông Trường