Hoạt động kinh doanh của Bách Khoa Việt trước khi bị phát hiện "dính" đến đường dây buôn lậu xăng dầu

Năm 2020, thông tin về việc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – CTG) thông báo bán khoản nợ có tài sản đảm bảo của khách hàng là công ty cổ phần Thương mại – Tư vấn – Đầu tư – Xây dựng Bách Khoa Việt dể xử lý thu hồi nợ vay đã gây xôn xao dư luận.

Theo đó, tổng dư nợ của công ty Bách Khoa Việt tại VietinBank Ngô Quyền đến ngày 13/05/2020 là 541 tỷ đồng. Ngoài ra, số lãi cộng đến nay cũng là hơn 49 tỷ đồng, kèm khoản lãi phạt chậm trả 23,6 tỷ đồng.

Theo phía Ngân hàng, tổng khoản nợ liên quan khách hàng nói trên đang là 541 tỷ đồng, đi kèm hàng loạt tài sản bảo đảm giá trị như bất động sản, ô tô sang, cửa hàng xăng dầu…

Một trong số các cửa hàng xăng dầu của công ty Bách Khoa Việt ở quận Bình Thạnh, TP HCM.
Một trong số các cửa hàng xăng dầu của công ty Bách Khoa Việt ở quận Bình Thạnh, TP HCM..

Theo tìm hiểu, công ty Bách Khoa Việt thành lập vào ngày 20/10/2007. Người đại diện theo pháp luật kiêm Giám đốc của doanh nghiệp là ông Trần Trách Việt Đức. Trụ sở chính của công ty này đăng ký tại 346 Tân Kỳ Tân Quý, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP. HCM.

Trên web công ty này giới thiệu, ban đầu thành lập có vốn điều lệ 66 tỷ đồng. Đến năm 2018, tăng vốn điều lệ lên 468 tỷ đồng.

Sau nhiều năm hoạt động kinh doanh ở lĩnh vực xây dựng cầu đường, công trình dân dụng và kinh doanh bất động sản, đến năm 2014, 2015 doanh nghiệp này từng bước tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu.

Ngoài việc phát triển mảng khách hàng bán buôn và khách hàng công nghiệp, công ty phát triển hệ thống các cửa hàng bán lẻ, hệ thống kho bãi và logistics rộng khắp khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Tây.

Trong số 4 doanh nghiệp nợ thuế TP HCM trên 100 tỷ đồng được công bố hồi tháng 10/2019 có công ty Bách Khoa Việt
Trong số 4 doanh nghiệp nợ thuế TP. HCM trên 100 tỷ đồng được công bố hồi tháng 10/2019 có công ty Bách Khoa Việt.

Công ty này còn hợp tác với nhiều đơn vị để thiết lập hệ thống kho chứa xăng dầu trải rộng như: Tổng kho xăng dầu Nhà Bè của Công ty Xăng dầu Khu vực II TNHH MTV (Petrolimex Saigon); Kho xăng dầu ngoại quan Hiệp Phước (huyện Gò Công Đông, Tỉnh Tiền Giang); Kho xăng dầu Phúc Thành (quận Ô Môn, TP Cần Thơ); Kho xăng dâu Châu Thanh (huyên Châu Thanh, tinh Bên Tre); Kho xăng dâu BKV PETRO Tây Ninh (huyên Hoa Thanh, tinh Tây Ninh)…. Đây đều là những kho xăng dầu đầu mối tại miền Đông và Tây Nam Bộ.

Đáng chú ý là theo danh sách doanh nghiệp bị “bêu tên” nợ thuế trên địa bàn TP. HCM được Cục thuế TP. HCM công bố tháng 10/2019, Công ty Bách Khoa Việt nằm trong danh sách đang nợ TP. HCM hơn 100 tỷ đồng tiền thuế.

Từ nợ thuế đến "dính" việc tiêu thụ xăng dầu lậu

Liên quan đường dây buôn lậu xăng dầu hơn 2.000 tỷ đồng này, tháng 09/2019 TAND cấp cao tại TP. HCM đã tuyên án 12 bị cáo với tổng cộng mức án hơn 46 năm tù giam. Trong đó Nguyễn Đức Mạnh, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dương Đông Hòa Phú; 8 năm tù về tội Buôn lậu và 02 năm tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt chung cho Mạnh là 10 năm tù. Cùng 02 tội này, Nguyễn Thanh Sơn (cựu Phó tổng giám đốc công ty) bị phạt 8 năm tù. Các bị cáo nguyên là cán bộ Chi cục Hải quan Bình Thuận gồm: Đinh Hữu Thùy bị phạt 04 năm tù về tội Nhận hối lộ, Lê Văn Vinh 03 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo trong vụ án buôn lậu xăng dầu xảy ra tại Công ty cổ phần Dương Đông – Hòa Phú
Các bị cáo trong vụ án buôn lậu xăng dầu xảy ra tại Công ty cổ phần Dương Đông – Hòa Phú.

Ngày 29/01/2016, các trinh sát của Bộ Công an phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ khác bắt quả tang tàu BTS Christina (quốc tịch Singapore) do ông Romel Pagente Aleria (quốc tịch Philippines) làm thuyền trưởng, đang bơm xăng lên bồn chứa của kho xăng Hòa Phú (thuộc Công CP Dương Đông - Hòa Phú). Tại đây, công an phát hiện có 9.373 tấn xăng A92, nhưng Công ty cổ phần Dương Đông - Hòa Phú chỉ khai báo hải quan nhập khẩu có 1.877 tấn.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, từ 14/10/2015 đến 29/1/2016 Công ty cổ phần Dương Đông Hòa Phú đã mua từ nước ngoài 12 chuyến xăng dầu với số lượng 91.066.305 lít xăng A92 (tương đương 65.365 tấn) và 77.571.503 lít dầu DO 0,05%S (tương đương 65.558 tấn) nhưng chỉ khai báo hải quan 17.446.627 lít xăng (12.670 tấn) và 14.840.350 lít dầu DO 0,05%S (12.303 tấn). Số lượng còn lại là nhập lậu, không khai báo hải quan (53.163 tấn xăng A92 và 53.268 tấn dầu DO) để hưởng số tiền chênh lệch bất hợp pháp là 2.034 tỷ đồng.

Cùng bị truy tố lần này với Luyện Xuân Tràng còn có 8 bị can là các “đại gia”, Giám đốc các công ty xăng dầu gồm: Trịnh Đình Thành, nhân viên Phòng Kinh doanh Công ty Dương Đông Hòa Phú; Nguyễn Thanh Trang, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu và Thủy sản Bảy Cường (Bình Định); Lê Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Dương Đông Miền Trung (Ninh Thuận); Đỗ Minh Thư, Giám đốc Công ty Dương Đông Bình Thuận; Lý Hưng Phát, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lý Tấn Tài, tỉnh Kiên Giang; Hà Thị Kim Nga, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tân Hiệp (quận 2, TP. HCM); Trần Duy Phong, Cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu 222 (xã Suối Tre, Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) và Trần Văn Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất dầu Sài Gòn (Bảo Lộc, Lâm Đồng) về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Kho trung chuyển xăng dầu của Công ty Cổ phần xăng dầu Dương Đông Hòa Phú
Kho trung chuyển xăng dầu của Công ty Cổ phần xăng dầu Dương Đông Hòa Phú.

Sau khi vụ án bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an lập chuyên án bắt giữ quả tang tại vùng biển xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong (ngày 29/01/2016) và vụ án bị khởi tố, thì Luyện Xuân Tràng đã bỏ trốn.

Tại phiên tòa ngày 21/12/2018, Toà án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Thuận đã đưa ra xét xử 7 bị cáo trong vụ án buôn lậu xăng dầu này (có một bị cáo là lái tàu người nước ngoài). Tất cả các bị cáo đều khai báo chỉ làm thuê theo sự chỉ đạo trực tiếp của Luyện Xuân Tràng. Do Luyện Xuân Tràng bỏ trốn, nên Hội đồng xét xử (HĐXX) đã quyết định tách vụ án, chỉ xét xử 7 bị cáo về tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhận hối lộ và đưa hối lộ. Bị cáo chịu mức án cao nhất là Nguyễn Đức Mạnh (10 năm tù giam về 2 tội danh), án thấp nhất là 2 năm tù treo. Riêng bị cáo người nước ngoài bị trục xuất về nước.

Đây là vụ án buôn lậu xăng dầu có quy mô lớn nhất tại Bình Thuận tới thời điểm xảy ra vụ án.

Sau thời gian trốn truy nã, ngày 14/09/2019, Luyện Xuân Tràng đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Mở rộng vụ án buôn lậu xăng dầu này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn khởi tố thêm 8 bị can là đại diện pháp luật của các công ty trực tiếp mua xăng dầu lậu của Luyện Xuân Tràng về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Đối với Trần Thị Loan Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bách Khoa Việt, địa chỉ tại quận Tân Phú, TP. HCM, đã bị khởi tố về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng Phương đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can Trần Thị Loan Phương để tiến hành điều tra xử lý sau.

Riêng 23 doanh nghiệp khác ở một số tỉnh, thành, quá trình điều tra vụ án chưa thu thập được tài liệu xác định đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra, làm rõ khi có điều kiện.

PV