THCL Bán hàng theo hình thức đa cấp không còn là điều xa lạ hiện nay. Các công ty đa cấp mọc nhan nhản, hoạt động đúng quy định thì ít mà dụ dỗ, lôi kéo, lừa đảo thì nhiều.

Khốn cùng vì “dính” đa cấp

Việc bùng nổ các công ty bán hàng đa cấp và hoạt động biến tướng của nó gây nhiều hệ lụy xấu, làm thay đổi nhiều giá trị chuẩn mực trong xã hội.

Những đối tượng chủ yếu mà các công ty đa cấp thường nhắm đến là sinh viên và những người nông dân. Để bán được hàng, không ít DN sử dụng nhiều chiêu trò lôi kéo, dụ dỗ, thậm chí lừa đảo. Tin vào những lời có cánh về một tương lai tốt đẹp, đến lúc “không cần làm gì cũng có tiền chảy vào túi”, nhiều người tham gia vào đây sẵn sàng bỏ một số tiền lớn để mua sản phẩm và còn lôi kéo, rủ rê người thân, bạn bè tham gia vào hệ thống.

Nhiều sinh viên bán cả điện thoại, laptop, dùng hết tiền gia đình ở quê gửi ra hàng tháng. Thậm chí, có những sinh viên còn vay nóng, cầm cố cả bằng cấp để có tiền nướng vào đa cấp với mộng tưởng làm giàu nhanh chóng. Mới đây, còn có vụ nữ sinh viên dàn dựng vụ bắt cóc tống tiền cha mẹ để có tiền tham gia vào đa cấp…

Ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa), sau khi anh con rể tham gia vào Công ty đa cấp LMTD, đã không ngần ngại lấy hết số tiền hơn 20 triệu đồng mà vợ chồng dành dụm được để mua các sản phẩm ở đây, mặc dù không biết sử dụng làm gì hay bán cho ai. Bà mẹ vợ bị anh này ép tham gia vào LMTD và bỏ tiền ra mua sản phẩm, nếu không sẽ ly hôn với con gái bà. Vì thương con gái và không muốn hạnh phúc gia đình tan vỡ, bà đành ngậm ngùi tham gia và bán đi trâu, bò để có hàng chục triệu đồng mua sản phẩm của công ty cho con rể vui lòng.

Trong phiên chất vấn ngày 17/11, ĐBQH Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về nạn đa cấp biến tướng đang hoành hành trong xã hội.

Ông Hiến cho rằng: "Kinh doanh đa cấp biến tướng lừa đảo. Đã có sinh viên phải bỏ học, có người ly hôn, tự tử vì dính vào đa cấp. Những DN này đã vi phạm nhiều quy định pháp luật như bắt người tham gia phải đặt cọc, đóng một khoản tiền nhất định hay bắt người ta phải mua hàng hóa, nhận tiền hoa hồng từ việc dụ dỗ người khác tham gia. Tôi thấy không có gì băn khoăn khi kết luận đó là lừa đảo".

Cơ quan quản lý… bó tay?

Mới đây, trao đổi với báo chí bên hành lang QH, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết: "Nạn lừa đảo tràn về nông thôn như bán hàng đa cấp, góp quỹ từ thiện… Ai sẽ là người bảo vệ họ, vừa yếu thế vừa nghèo khó? Với tình trạng lừa đảo người dân như vậy thì quy trách nhiệm cho bộ, ngành nào?

Theo ĐBQH Nguyễn Văn Hiến, các DN kinh doanh đa cấp biến tướng, dùng nhiều thủ đoạn để dụ dỗ người tham gia như không làm gì cũng có tiền hay được hưởng lãi suất vô lý đến 4.800%. Thậm chí là mượn danh nhân vật nổi tiếng, mượn danh cơ quan nhà nước để tạo lòng tin với người tham gia.

"Sự phản ứng là rất chậm chạp, vai trò xử lý là mờ nhạt. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương quan tâm giải quyết tệ nạn này!", ông Hiến nói.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận, thực tế có tình trạng không đăng ký bán hàng đa cấp hay DN kinh doanh dựa theo mô hình bán hàng đa cấp, sử dụng hình thức trả thưởng theo đa cấp để kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, huy động vốn để lừa đảo... Mô hình sai phạm này chiếm phần lớn nội dung đã phản ánh trên thông tin đại chúng, lợi dụng để trục lợi, gây bức xúc trong dư luận như Công ty CP Đầu tư Thịnh Phước, MB24...

Bên cạnh đó, có những DN được cấp chứng nhận bán hàng đa cấp, nhưng không thực hiện đúng theo giấy phép đã đăng ký, hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Khi các cơ quan quản lý “bó tay” với nạn đa cấp biến tướng hoành hành, chính người dân phải biết tự bảo vệ mình. Phải phân biệt được các công ty hoạt động chân chính và các công ty lừa đảo. Mọi thành quả đều được đánh đổi bằng công sức lao động, chớ nghe lời lôi kéo, dụ dỗ mà vác họa vào thân.

Đức Thế (Thương hiệu & công luận)